Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tinh thần “Canh tân văn hóa”

Thi Thi| 25/03/2012 06:43

(HNM) - “Canh tân văn hóa” là cụm từ đi liền với biểu tượng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh do Quỹ khởi xướng đã dần trở thành sự kiện được giới trí thức và truyền thông quan tâm, đánh giá cao. Lần trao giải thứ V của Quỹ vừa diễn ra hôm qua (24-3) tại Hà Nội với 6 đại diện tiêu biểu đã cho thấy sáng một tinh thần "Canh tân văn hóa" của cụ Phan.

Năm nay những người nhận giải gồm ông Nguyễn Sự (Bí thư thành phố Hội An), dịch giả Nguyễn Văn Khoa, nhà nghiên cứu Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang, ông Alain Ruscio, ông Pavel Vladimirovich Ponner. Trao đổi với Hànộimới, TS Chu Hảo, Phó Chủ tịch Quỹ chia sẻ: "Sáu đại diện nhận giải lần này không phải ai cũng nổi tiếng và quen thuộc với công chúng. Ví như nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thạch Giang và dịch giả Nguyễn Văn Khoa. Tôi tin là công chúng còn ít biết đến họ. Đây là những người suốt đời lao động lặng lẽ, kiên trì trong một lĩnh vực rất chuyên sâu và khó khăn. Vì nhiều lý do có thể hiểu được mà họ chưa được tôn vinh một cách xứng đáng. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lấy làm vinh hạnh được tôn vinh và giới thiệu những người như vậy với cộng đồng".

Giới thiệu đến công chúng thêm những gương mặt mới được giới chuyên môn thừa nhận phải chăng là một cách thể hiện tinh thần "Canh tân văn hóa"? Dịch giả Nguyễn Văn Khoa sinh ra ở Campuchia (1944) sau đó lại học tập, giảng dạy tại Đại học Paris VIII (Pháp). Lĩnh vực mà ông quan tâm - triết học không phải là "món" dễ phổ biến. Ông có thể không được công chúng rộng rãi biết tới, nhưng điều đó không có nghĩa là những đóng góp của ông không quan trọng. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang (sinh năm 1928) cũng đã dành gần như trọn cuộc đời cho văn học chữ Nôm và văn học chữ Hán của Việt Nam. Công chúng có thể từng hưởng những thành quả từ các công trình nghiên cứu của ông, nhưng mấy ai biết đến tác giả của "Từ ngữ và điển cố văn chương quốc âm" (10 cuốn) và "Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam" (4 cuốn)… Cũng như vậy, qua giải thưởng này, có thể nhiều người mới biết đến hai nhà nghiên cứu nước ngoài đã góp phần giữ lại cho chúng ta những minh chứng sống động trong nhiều giai đoạn của lịch sử nước nhà.

Tinh thần "Canh tân văn hóa" cũng thể hiện qua những tác phẩm của người được trao giải. Bản dịch "Đối thoại Socratic 1", Plato, NXB Tri thức 2010 của Nguyễn Văn Khoa đã mang đến cho độc giả Việt Nam không chỉ là một tác phẩm, mà lớn hơn là một nỗ lực bù đắp những khoảng trống về khối tri thức nền của nhân loại ở nước ta. Lợi ích của việc này vô cùng to lớn nhưng lại không dễ thấy ngay. Vấn đề này, trí thức nước ta là người thấm thía nhất, như nhà văn, dịch giả Ngô Tự Lập (nguyên Giám đốc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) từng chia sẻ: "Còn rất nhiều tên tuổi lớn của nền tảng tri thức nhân loại mà chúng ta chưa biết tới chứ chưa nói gì đến dịch sách của họ"

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 5 mùa trao giải của Quỹ có một chính trị gia lọt vào danh sách đoạt giải. Về điều này, TS Chu Hảo cũng vui mừng bày tỏ: "Ông Nguyễn Sự đúng là trường hợp một chính trị gia đầu tiên mà Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh hân hạnh trao giải. Đó là một chính trị gia có tầm nhìn văn hóa, đóng vai trò quyết định trong việc duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Hội An. Tôi tin rằng đây không phải là trường hợp duy nhất! Chúng tôi hy vọng trong tương lai, Quỹ sẽ còn tìm được những nhà lãnh đạo ở các cấp có những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa và giáo dục nước nhà. Những người mà trước khi chúng tôi trân trọng trao giải đã được tôn vinh trong lòng dân".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng tinh thần “Canh tân văn hóa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.