Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tạo - từ khóa trong phát triển công nghiệp văn hóa: Mở ra những giá trị mới và lan tỏa tới cộng đồng

Quỳnh Dương| 11/12/2022 06:15

(HNMCT) - Những năm gần đây, công nghiệp văn hóa đã trở thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tài nguyên đầu vào quan trọng của ngành công nghiệp này là sự sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa để lan tỏa sức mạnh mềm, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu châu Á về phát triển công nghiệp văn hóa với nhiều ý tưởng sáng tạo.

Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), doanh thu toàn cầu hằng năm của các ngành công nghiệp văn hóa vào khoảng 2.250 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 250 tỷ USD. Lĩnh vực này cũng cung cấp gần 30 triệu việc làm trên toàn thế giới và tuyển dụng số lượng lao động trong độ tuổi 15 - 29 hơn bất kỳ ngành nghề nào khác.

Các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa đã tạo cơ hội, khuyến khích các lực lượng sáng tạo, nhất là giới trẻ khai thác, biến tài nguyên văn hóa thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị. Nói một cách khác, văn hóa được quan tâm nhiều hơn khi là tác nhân kích thích sự hình thành, tạo ra giá trị cho sáng tạo.

Ví dụ tại Nhật Bản, sáng tạo là yếu tố dẫn tới thành công của các bộ truyện tranh, phim hoạt hình được giới trẻ châu Á yêu thích như "Doraemon", "Bảy viên ngọc rồng", "Thám tử lừng danh Conan"... Thông qua những bộ truyện này, văn hóa Nhật Bản được quảng bá rộng rãi tới nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa tại Nhật Bản đóng góp doanh thu hằng năm khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu hút 5% nhân công lao động.

Tại Pháp, hơn 20 năm qua, sự sáng tạo đa dạng trong hình thức và thể loại tác phẩm truyện tranh đã tạo ra sức sống nghệ thuật to lớn và được nhiều độc giả đón nhận, giúp lĩnh vực này có chỗ đứng quan trọng trong ngành công nghiệp văn hóa. Truyện tranh tại Pháp đứng thứ 3 về số lượng bản in bán ra trên thị trường xuất bản, cứ 7 cuốn sách bán ra ở Pháp thì có hơn 1 cuốn là truyện tranh.

Còn Hàn Quốc đã nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc từ những năm 1990, được đặt tên là “Làn sóng văn hóa Hàn Quốc”. Ngày nay, nền công nghiệp văn hóa tại xứ sở Kim chi được đánh giá ở vị trí hàng đầu khu vực với hệ thống trung tâm văn hóa rộng khắp cũng như mạng lưới thành phố sáng tạo. Trong số đó, đáng chú ý là thành phố Busan.

Thông qua ảnh hưởng ban đầu của văn hóa phương Tây, Busan đã phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp điện ảnh và là thành phố đầu tiên của Hàn Quốc phát hành phim điện ảnh. Trong những thập niên gần đây, Busan đã phát triển thành một trung tâm sáng tạo quan trọng đối với ngành công nghiệp điện ảnh châu Á. Tập trung vào tăng trưởng bền vững, Busan đã thúc đẩy các tiện ích liên quan đến điện ảnh, chẳng hạn như cải thiện điều kiện sản xuất hoặc thành lập các công ty R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) mới. Với cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới và nguồn nhân lực chuyên nghiệp, Busan hiện là một tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp điện ảnh khu vực.

Các chuyên gia của UNESCO cho rằng, chính vì vai trò quan trọng của sáng tạo, nhiều quốc gia đã đặt tên ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo như một cách thức nhấn mạnh yếu tố này trong phát triển văn hóa. Nhiều chính sách khuyến khích sáng tạo cũng được ban hành. Điển hình như tại Auckland (New Zealand). Kế hoạch chiến lược văn hóa và nghệ thuật của thành phố này là tăng cường tài trợ cho sáng tác nghệ thuật, hỗ trợ cơ hội phát triển nghề nghiệp; tạo điều kiện để tổ chức và cá nhân tiếp cận không gian sáng tạo, khuyến khích hoạt động của các tổ chức văn hóa và nghệ thuật. Nhờ đó, Auckland trở thành trái tim của ngành công nghiệp âm nhạc của New Zealand.

Ngoài việc là trung tâm của các hãng thu âm và studio, Auckland còn là nơi đặt trụ sở của các cơ quan tổ chức lớn. Sức sống của lĩnh vực âm nhạc được thể hiện rõ qua các lễ hội quanh năm nhằm tôn vinh nền văn hóa đa dạng của thành phố, bao gồm Tamaki Herenga Waka, nơi trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ và di sản của người Maori.

Ở Thái Lan, chính sách thúc đẩy sáng tạo văn hóa đã mang lại kết quả rõ rệt trong cộng đồng nghệ thuật Bangkok. Các nghệ nhân, nhà cung cấp chuyên biệt và cộng đồng sáng tạo đã tạo ra hơn 300.000 công việc hằng năm. Đối với thành phố, thiết kế là công cụ để tận dụng trí tuệ địa phương và năng lượng sáng tạo của cộng đồng cư dân đa dạng của Bangkok được truyền cảm hứng từ các kho tàng đa văn hóa, là tài sản lớn nhất của thành phố. Sự pha trộn giữa thẩm mỹ truyền thống và sự mới lạ hiện đại tạo thành các thành phần cơ bản trong quá trình phát triển. Một trong những dấu ấn của chính sách khuyến khích sáng tạo được thể hiện qua Tuần lễ thiết kế Bangkok. Sân chơi này mang đến một sự rung cảm sáng tạo mới, thu hút khán giả thuộc mọi thế hệ và hoạt động như một nền tảng hợp tác thúc đẩy thiết kế trong khu vực.

Tóm lại, đối với phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo là chìa khóa giúp mở ra những giá trị mới và lan tỏa tới cộng đồng bằng sự đa dạng về hình thức dựa trên nền tảng là chiều sâu văn hóa, lịch sử được tạo dựng trong hàng nghìn năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo - từ khóa trong phát triển công nghiệp văn hóa: Mở ra những giá trị mới và lan tỏa tới cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.