Văn hóa

Sáng tạo trên nền di sản: Tạo ra những điều mới mẻ từ văn hóa truyền thống

Mai Đình 26/10/2024 12:29

Di sản của cha ông cần được hiện diện một cách sinh động, đa chiều trong cuộc sống hiện đại. Với tâm niệm đó, nhiều người trẻ đã và đang tìm ra cách tiếp cận mới từ truyền thống, bằng tình yêu và sự sáng tạo, sức trẻ.

Tuy nhiên, hành trình khơi dậy giá trị truyền thống luôn đi kèm với những khó khăn, thử thách và được đo đếm bằng sự ủng hộ của công chúng.

Ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Giám đốc Nghệ thuật dự án “Lên ngàn”:
Tình yêu không đủ lớn thì khó có thể theo đuổi nghệ thuật truyền thống

yk-nguyenquochoanganh.jpg

Khi mới bắt đầu khởi nghiệp gắn với nghệ thuật truyền thống, tôi đã chuẩn bị hay nói đúng hơn là học lại, tìm hiểu lại, để có nhận thức và nhiều trải nghiệm hơn với di sản. Nếu không có tình yêu đủ lớn thì chắc chắn bạn sẽ không thể kiên trì theo đuổi con đường đó! Trong nghệ thuật, các chất liệu đều bình đẳng. Khi làm việc về nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật tuồng, tôi nghĩ rằng các nhân vật có tiếng nói riêng, âm thanh cũng có tiếng nói riêng, các nhạc cụ truyền thống cũng vậy. Khi đặt những yếu tố này cạnh nhau, tôi hình dung công việc của mình giống như tạo ra một bức tranh nhưng từng chất liệu lại có không gian riêng của nó. Việc sử dụng âm nhạc điện tử và lối diễn ước lệ của nghệ thuật tuồng như được hòa trộn vào nhau trong một không gian. Cơ hội làm việc với âm nhạc thể nghiệm mở ra cho tôi một nhận thức mới, một cách nghĩ khác về thực hành âm thanh, thay đổi cách làm việc sau này của tôi.

Tôi luôn muốn thực hiện những dự án mang tính liên ngành, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, có truyền thống, có hiện đại. Cách làm này giúp tôi mở rộng sự biểu đạt, tiếp cận với nhiều chiều kích dành cho các nghệ sĩ. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, với nguồn lực của các nghệ sĩ trong nước, việc thực hiện dự án liên ngành, kết nối các nguồn lực vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng tôi vẫn hy vọng điều đó không cản trở các nghệ sĩ đang thực hành nghệ thuật liên ngành tại Việt Nam; thay vào đó, như ông cha ta từng nói, “cái khó ló cái khôn”.

Tôi mong muốn được chia sẻ suy nghĩ của mình về tương lai phát triển gắn với truyền thống cũng như cơ hội mở ra nhiều hơn cho cá nhân và những người bạn đồng hành. Tôi từng đưa ra ý tưởng về hệ sinh thái nghệ thuật liên ngành ở Đông Nam Á, cho rằng nếu có sự chia sẻ nhiều hơn để đưa ra tầm nhìn về chuỗi giá trị và cùng nhau tạo ra những điều mới mẻ, chúng ta sẽ mở ra không gian cho văn hóa, nghệ thuật cũng như tương lai sáng tạo nghệ thuật đầy thú vị.

Ông Nguyễn Việt Nam, người sáng lập Tired City:
Cơ hội lan tỏa những câu chuyện văn hóa còn rất nhiều

yk-nguyenvietnam.jpg

Hà Nội có nhiều lớp lang văn hóa. Tôi từng đi quanh Hà Nội, dạo bước phố cổ và quan sát nhiều lần những công trình kiến trúc ở thành phố mình đang sống, từ những công trình Pháp cổ, những công trình art deco được xây dựng khi người ta “bắt đầu giàu lên” đến những công trình kiến trúc hiện đại... Những lớp văn hóa ấy khiến cho tôi có nhiều cảm hứng. Trước khi thành lập Tired City, tôi đã vẽ rất nhiều và cộng tác với nhiều doanh nghiệp, cùng với đó là những chuyến đi tìm hiểu tại các “thủ phủ văn hóa” nổi tiếng như Kyoto (Nhật Bản), Chiềng Mai (Thái Lan), Copenhagen (Đan Mạch)... Tôi nhận ra rằng: Ở Việt Nam, cơ hội lan tỏa những câu chuyện văn hóa còn rất nhiều. Chúng tôi cũng rất để ý tới cách khách hàng tương tác với các sản phẩm sáng tạo như thế nào. Vì thế, chúng tôi duy trì sự tiêu thụ tác phẩm - sản phẩm ngoài thị trường, đồng thời khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo những điều mới.

Để tiếp cận công chúng, đặc biệt là những bạn trẻ, lôi kéo họ đến với những câu chuyện văn hóa, chúng tôi làm cho nó dễ gần hơn. Nó có thể bắt nguồn từ những triển lãm nho nhỏ: Vẽ con heo, con mèo, con rồng; tổ chức cuộc thi “Món ăn văn hóa”... Chúng tôi đã giới thiệu tới công chúng những sản phẩm như tranh in, túi xách, postcard, khăn quàng cổ,... với những câu chuyện văn hóa mà chỉ mất công tìm hiểu một chút, bạn sẽ thấy dễ gần, dễ sử dụng và tạo sự hứng thú, tò mò. Với mỗi sản phẩm, dù nhỏ nhưng chúng tôi luôn cố gắng nghiên cứu cơ bản, tìm hiểu thấu đáo, lắng nghe ý kiến chia sẻ từ các chuyên gia và cộng đồng nghệ sĩ trẻ.

Theo quan sát của tôi, ngày càng có nhiều người trẻ hướng về văn hóa dân gian, câu chuyện dân gian một cách hào hứng. Ban đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi mọi người tham gia các cuộc thi, thể hiện ý tưởng. Về khâu tổ chức, có nhiều điều kiện mình phải tuân thủ, đồng thời thu hút công chúng đến xem tranh. Cứ làm dần rồi quen, tôi hiểu hơn về các nghệ sĩ - những người cộng tác với mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản trong việc tiếp cận, từ việc nghiên cứu, tái hiện, thể hiện sao cho đúng chứ không bị lai căng, làm méo mó các giá trị văn hóa. Mình cần phân định được đâu là cái lõi phải giữ và đâu là cái mình được biến tấu. Cần có điều kiện đủ để những người “đương đại” thích thú với sản phẩm sáng tạo ấy. Nếu chúng ta coi những sản phẩm ấy như “tháp ngà” - bị đóng khung, rập khuôn thì những người sáng tạo không dám chạm tay vào, những nghiên cứu ấy cũng biến mất. May mắn là, khi thành lập Tired City, tôi nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, các nghệ sĩ và nhiều đơn vị, tổ chức văn hóa uy tín trong nước.

Ông Nguyễn Khánh Dương, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Comicola:
“Chúng tôi xác định mình đang trong giai đoạn tạo dựng thị trường"

yk-nguyenkhanhduong.jpg

Phong trào chơi play box, art toy ở các nước trong khu vực đang phát triển rất mạnh. Có những dự án về đồ chơi hay các dự án liên quan đến các bộ phim điện ảnh, hoạt hình đạt được thành công lớn. Đây là cơ hội và cũng là tiền lệ tốt cho những người làm nghệ thuật, những người sáng tạo sản phẩm Việt đưa thêm nhiều sản phẩm sáng tạo khác ra thị trường. Chúng tôi đang thực hiện dự án “Đế đô khảo cổ kí” với sự phối hợp của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, với các món đồ chơi sưu tầm, lấy ý tưởng từ 4 cổ vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Hình dáng những sản phẩm này được thu nhỏ, giữ nguyên thiết kế gốc và được sơn tay, tạo cảm giác giả cổ. Những đồ chơi sưu tầm này sẽ được giới thiệu đến đông đảo công chúng và khách du lịch dưới hình thức trò chơi.

Những cộng sự của tôi đều là người yêu văn hóa truyền thống, mong muốn được tìm hiểu về quá khứ. Tuy vậy, một trong những khó khăn mà chúng tôi phải tìm cách tháo gỡ là cần thêm thời gian để thị trường sản phẩm văn hóa truyền thống được mở rộng hơn. Thử hình dung khi mình đi tới một khu di tích nào đó, rất khó để tìm được một sản phẩm lưu niệm do người Việt làm, phù hợp với di tích, địa điểm ấy. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi xác định mình đang trong giai đoạn tạo dựng thị trường. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất bởi mình như người đi khai phá, đặt những viên gạch đầu tiên cho thị trường này.

Một khó khăn nữa là việc khai thác, tìm kiếm nguồn tư liệu xác thực để phục vụ cho việc nghiên cứu, sáng tạo còn hạn chế. Những thông tin, hình ảnh, tư liệu văn hóa, lịch sử nhiều thế kỷ trước, liên quan đến phong tục tập quán, thời trang, kiến trúc, phương tiện đi lại... chưa thực sự nhiều. Muốn làm phim, làm truyện tranh về thời Lê với những tư liệu chuẩn về trang phục là rất khó, thậm chí có những thành viên của chúng tôi đã phải đổi chủ đề. Tôi nghĩ rằng, các đơn vị nghiên cứu lịch sử đang cố gắng đưa ra những nghiên cứu mới, dần dần sẽ hỗ trợ cho những người sáng tạo như chúng tôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo trên nền di sản: Tạo ra những điều mới mẻ từ văn hóa truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.