(HNM) - Thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô), Hà Nội đang triển khai khối lượng công việc lớn với nhiều vấn đề khó, mới, chưa có tiền lệ. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi cơ quan lập quy hoạch phải linh hoạt, sáng tạo và đột phá.
- Quy hoạch Thủ đô Hà Nội tích hợp nhiều nội dung. Với những yêu cầu, đòi hỏi cao, cơ quan lập quy hoạch sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
- Về nội dung, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định cho Hà Nội 69 nội dung cần tích hợp, bao gồm 39 nội dung đề xuất về phương án phát triển ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất phương án phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.
Trước đây, việc nghiên cứu quy hoạch thường được thực hiện theo tầng bậc và độc lập trong từng ngành, lĩnh vực. Nhưng lần này, nghiên cứu quy hoạch được tổ chức theo phương pháp tích hợp với nhiều nội dung thống nhất trong một bản quy hoạch trên địa bàn thành phố, đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi rất lớn. Trong khi đó, mốc thời gian hoàn thành đối với các phần việc khá cấp bách. Dự kiến đến tháng 6-2023, thành phố sẽ hoàn thành dự thảo bước đầu để báo cáo Chính phủ.
Với những lý do nêu trên, việc lập Quy hoạch Thủ đô đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho Hà Nội và đơn vị được giao chủ trì lập quy hoạch là Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.
- Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, đơn vị lập quy hoạch cũng như các sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều nội dung công việc. Ông đánh giá hiệu quả bước đầu đạt được ra sao?
- Qua theo dõi cũng như trực tiếp tham gia một số hoạt động có thể thấy, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chuẩn bị nội dung phục vụ lập quy hoạch; tổ chức các buổi tọa đàm, huy động số lượng lớn các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để tham vấn, xin ý kiến. Đồng thời, Viện cũng đã khảo sát, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành phố về các nội dung liên quan đến lập Quy hoạch Thủ đô; hoàn thành báo cáo khung định hướng quy hoạch… Được biết, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện để đăng hồ sơ mời thầu, chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch cũng như xác định rõ cách thức thực hiện để kịp tiến độ hoàn thiện dự thảo vào tháng 6-2023.
Đây là những nội dung công việc được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đạt những kết quả bước đầu. Cũng phải chia sẻ, về phía Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, do chưa có kinh nghiệm trong lập quy hoạch, thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi, nên mặc dù đã được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp của các cấp, ngành…, nhưng quá trình thực hiện không tránh khỏi những khó khăn nhất định.
- Để việc lập Quy hoạch Thủ đô bảo đảm cả tiến độ và chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ được giao, ông đưa ra những lưu ý gì trong thời gian tới?
- Thời hạn hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Thủ đô khá gấp rút nên rất cần sự vào cuộc quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng với bối cảnh thực hiện. Thành phố trước tiên cần quan tâm, rút ra bài học kinh nghiệm của các địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã hoàn thiện quy hoạch. Với đặc thù riêng của Hà Nội, bên cạnh việc học hỏi lại cần sự sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện đồng bộ nhiệm vụ vừa lập quy hoạch mới, vừa điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng chương trình phát triển đô thị.
Để lập Quy hoạch Thủ đô, thành phố cần lưu tâm nghiên cứu kỹ một số vấn đề để có căn cứ thực hiện và đề xuất chọn kịch bản phù hợp, như xác định quy mô dân số, định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, nông thôn sinh thái hiện đại, nông dân văn minh hay các yếu tố khoa học công nghệ. Ngoài ra, cũng cần phải tạo ra sự liên kết giữa các định hướng phát triển mà Trung ương đã xác định thông qua các nghị quyết trong thời gian qua và một số luật đang sửa đổi về các lĩnh vực kinh tế, đất đai, nhà ở…
Bên cạnh đó, một việc cần thiết hiện nay là thành lập bộ phận chuyên môn, được tập hợp từ các đơn vị, sở, ngành của thành phố để nghiên cứu, sàng lọc phương án quy hoạch của từng ngành, lĩnh vực, quận, huyện nhằm đưa vào nội dung quy hoạch tích hợp. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cần tập hợp lực lượng đông đảo các chuyên gia đa ngành, chuyên gia giỏi và tiếp thu ý kiến chuyên gia có chọn lọc, bản lĩnh; đồng thời phải là đơn vị sàng lọc để tạo sự hài hòa về định hướng phát triển giữa các lĩnh vực, ngành nghề thuộc phạm vi quy hoạch.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.