Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ: Nối tiếp dòng chảy tri ân

An Nhi| 24/07/2022 06:14

(HNM) - Đề tài chiến tranh cách mạng, trong đó có mảng về thương binh, liệt sĩ là nguồn cảm hứng dồi dào và cũng đầy thách thức với văn nghệ sĩ trên con đường sáng tạo. Song, vẫn có những gương mặt hôm nay dấn thân vào mảng sáng tác này, nối tiếp dòng chảy tri ân thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Đi cùng năm tháng” lần thứ 5 - năm 2022 hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa với chủ đề “Vùng trời bình yên” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức.

Ghi dấu ở nhiều lĩnh vực

Đã nhiều năm nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại tổ chức chương trình nghệ thuật “Đi cùng năm tháng” hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, trong đó có mời các gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng đến thưởng thức, tặng quà tri ân.

Chương trình lần thứ 5 - năm 2022 có chủ đề “Vùng trời bình yên”, thể hiện tinh thần hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và các chiến sĩ Binh chủng Phòng không - Không quân nói riêng để bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có nhiều hoạt cảnh xiếc được dàn dựng theo nội dung các bài hát đi cùng năm tháng: “Đồng đội”, “Anh phi công ơi”, “Phi đội ta xuất kích”, “Lê Anh Nuôi”, “Bầu trời tình yêu”, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, “Vết chân tròn trên cát”… Ở đó, các tiết mục xiếc đặc sắc, gay cấn như: Đế vòng, nhào lộn, đánh vòng tập thể, đu dây lụa, dây đôi nam nữ, xiếc dê, xiếc trâu... được lồng ghép khéo léo. Chương trình “Vùng trời bình yên” biểu diễn tại Rạp Xiếc trung ương vào ngày 23, 24 và 27-7.

Triển lãm mỹ thuật “Còn mãi với thời gian” đang diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không chỉ có tác phẩm của các thế hệ nghệ sĩ đi trước, mà có cả những sáng tác của thế hệ hôm nay về đề tài thương binh, liệt sĩ. Có thể kể đến bức tranh sơn mài “Rừng cười” của họa sĩ Nguyễn Trường Linh về hình ảnh những thanh niên xung phong ở các tuyến đường Trường Sơn, hy sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng để góp sức làm nên chiến thắng của dân tộc.

Cách đây 2 tháng, cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khép lại, đã thu được nhiều kịch bản có thể dựng thành tác phẩm kịch nói, chèo, cải lương, dân ca kịch… với nhân vật trung tâm là thương binh, liệt sĩ. Tiêu biểu như kịch bản “Khi người lính trở về” (tác giả Nguyễn Thị Khuyên) khắc họa hình ảnh người thương binh “tàn nhưng không phế”, kiên cường đóng góp trên mặt trận kinh tế. Hay kịch bản “Món quà lớn nhất” (tác giả Trần Kim Khôi) lấy ý tưởng từ câu chuyện có thật về những liệt sĩ trở về; “Bên đài tưởng niệm” (tác giả Đỗ Lan) đi vào câu chuyện xây dựng nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương…

Thời gian qua, có nhiều tác giả đã công bố tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài ý nghĩa này và để lại dấu ấn trong đời sống. Đó là phim tài liệu “Chư Tan Kra” (đạo diễn Vũ Minh Phương), trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” (nhà thơ Lữ Mai) kể về hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội ở Tây Nguyên của những cựu chiến binh. Các tác phẩm văn xuôi: “Xác phàm” (tác giả Nguyễn Đình Tú), “Đỉnh khói” (tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa)… đã phần nào lột tả được sự hy sinh, mất mát của quân đội và nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.

Triển lãm mỹ thuật “Còn mãi với thời gian” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với các sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ. Ảnh: Thụy Du

Sự tri ân của thế hệ hôm nay

Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ trẻ hôm nay chưa từng trải qua, nên những sáng tác mới về đề tài thương binh, liệt sĩ không nhiều. Song, với lòng biết ơn, tâm huyết cùng sự dấn thân sáng tạo, vẫn có những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Liên đoàn quyết tâm thực hiện chương trình đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ để mang lại cho khán giả những màn biểu diễn xiếc vừa giàu tính nghệ thuật, vừa truyền tải giá trị lịch sử, qua đó, giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc cho diễn viên và khán giả trẻ. Hiểu được ý nghĩa của chương trình, các nghệ sĩ đều nhiệt tình, hứng khởi tham gia tập luyện, biểu diễn và không nhận thù lao. Nhiều nghệ sĩ đã đoạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế cũng góp mặt.

Là người chưa trải qua chiến tranh, song họa sĩ Nguyễn Trường Linh chia sẻ, chiến tranh cách mạng nói chung và hình tượng thương binh, liệt sĩ nói riêng là mảng sáng tác họa sĩ gắn bó nhiều năm nay. “Tuy thiếu chất liệu sống, nhưng qua tìm hiểu từ sách báo, tài liệu, nghe kể từ những người đã đi qua chiến tranh, tôi thấy thấm thía, xúc động, từ đó chắt lọc các chi tiết bằng nhãn quan riêng của mình để tạo hình tác phẩm. Vẽ chủ yếu bằng chất liệu sơn mài truyền thống, nhưng muốn tác phẩm mang hơi thở đương đại, nên tôi phá vỡ các bố cục để tạo hình mới mẻ hơn”, họa sĩ Nguyễn Trường Linh cho biết.

Nhà thơ Lữ Mai - tác giả của trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” cho rằng, hiện vẫn có nhiều câu chuyện, nhiều người vẫn tiếp tục hoạt động tri ân thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập, tự do dân tộc. Cứ theo hành trình đó, tác giả trẻ hôm nay sẽ tìm được nguồn cảm hứng sáng tác. Là Trưởng ban Giám khảo cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ đánh giá, các tác giả đã có nhiều tìm tòi, phát hiện câu chuyện mới, nhân vật mới về đề tài đã được khai thác nhiều, đồng thời phát huy được thế mạnh của từng loại hình nghệ thuật để thể hiện hiệu quả, phù hợp với thị hiếu của công chúng hiện nay.

Với sự trân trọng, dấn thân như thế, chắc chắn còn có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật mới tri ân thế hệ đi trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ: Nối tiếp dòng chảy tri ân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.