(HNMO) - Sáng nay (4-6), kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, với thành viên Chính phủ đầu tiên “đăng đàn” là Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ "đăng đàn" trả lời nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. |
Theo chương trình chi tiết các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nội dung chất vấn tập trung vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng đen, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia, xâm hại phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.
Thành viên của Chính phủ chịu trách nhiệm chính trả lời chất vấn cho những nội dung này là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Theo Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, qua phiếu lấy ý kiến, Bộ trưởng Tô Lâm là người nhận được nhiều phiếu đề nghị trả lời chất vấn nhất từ các đại biểu Quốc hội.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Tô Lâm tại phiên chất vấn sáng nay có bộ trưởng các bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Giao thông - Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao và một Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực.
Trao đổi với HNMO, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, tại phiên chất vấn này ông sẽ nêu câu hỏi tới 3 vị tư lệnh ngành công an; xây dựng; văn hóa, thể thao và du lịch.
“Với Bộ trưởng Bộ Công an, tôi sẽ chất vấn về tình hình tội phạm, nạn tín dụng đen”, đại biểu Hòa cho biết.
Đại biểu Hòa nêu, “tín dụng đen” đã lan ra khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy. Dù ngành công an đã xử lý rất nhiều nhưng rõ ràng chưa có giải pháp căn cơ để ngăn chặn. Vậy việc xử lý và hoàn thiện các quy định pháp luật để ngăn chặn việc này ra sao?. Đại biểu cũng cho rằng, ngành công an phải xử lý quyết liệt, mạnh mẽ hơn đối với nạn “tín dụng đen”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.