(HNMO) - Sáng 15-12, một số khu vực ở thành phố Hà Nội có nồng độ chất ô nhiễm ở mức rất xấu. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất lên tới 268 đơn vị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, người dân cần hạn chế tối đa hoạt động ngoài trời.
Kết quả từ các trạm quan trắc không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội và các trạm của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho thấy, 2 khu vực chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu là Thành Công (chỉ số AQI là 268), Kim Liên (chỉ số AQI 244), ở mức thang cảnh báo 5/6. Các khu vực khác: Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, Hoàn Kiếm, Mỹ Đình cũng có chỉ số AQI từ 151 đến 200. Duy nhất khu vực Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Trung Hòa) ở mức kém, chỉ số AQI là 112.
Theo phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, hiện tại, Hà Nội trời nhiều sương mù, tốc độ gió thấp, trung bình đạt 0,84m/s và nhiệt độ dao động trong khoảng 18 độ C đến 22 độ C, nhiệt độ có xu hướng tăng lên nhưng tốc độ gió lại giảm dẫn đến nồng độ các chất ô nhiễm không được khuếch tán. Đặc biệt, tại nhiều khu vực do tích tụ chất ô nhiễm khiến chỉ số AQI tiếp tục tăng.
Dự báo trong khung giờ cao điểm tiếp theo, khi mật độ giao thông tăng cao, nhiệt độ giảm và tốc độ gió không thay đổi, khả năng cao nồng độ các chất ô nhiễm tăng khiến chất lượng không khí tiếp tục duy trì ở mức rất xấu. Ngoài ra, tại một số khu vực vẫn còn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bà Đào Thị Anh Điệp, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) khuyến cáo, khi không khí ở ngưỡng rất xấu, người dân hạn chế ra ngoài tập thể dục, nhất là người già và trẻ em. Trong trường hợp cần thiết phải ra ngoài, mọi người nên đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 và ưu tiên tham gia giao thông bằng các phương tiện công cộng hoặc các phương tiện có che chắn để bảo vệ sức khỏe.
Để cải thiện chất lượng không khí, cần sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị người dân thực hiện tốt Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25-12-2019 của UBND thành phố về các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Cụ thể, sử dụng các phương tiện công cộng thay thế phương tiện cá nhân; các phương tiện chở vật liệu xây dựng cần được che chắn theo quy định, tránh rơi vãi, phát sinh bụi ra môi trường.
Các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông thường theo quy trình công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không được đốt các loại chất thải tại các điểm tập kết, trung chuyển...
Người dân theo dõi, kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, trong đó có hoạt động đốt chất thải, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng để xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.