(HNM) - 1. Đảng viên là thành tố cơ bản cấu thành các tổ chức Đảng và toàn Đảng. Vai trò lãnh đạo, uy tín, danh dự của tổ chức Đảng, của toàn Đảng đối với xã hội do phẩm chất, năng lực và trình độ của mỗi đảng viên tạo thành. Muốn Đảng mạnh, phải có tổ chức Đảng mạnh; muốn có tổ chức Đảng mạnh vừa phải nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, vừa phải sàng lọc, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đây là nhiệm vụ tất yếu, thường xuyên.
Qua hơn 91 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định vững chắc vai trò cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội không thể thay thế. Đến nay, toàn Đảng có hơn 5,19 triệu đảng viên. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ Đại hội XII, hơn 880.000 đảng viên mới đã được kết nạp, 41,5% trong số đó có trình độ từ đại học trở lên... Song song với nhiệm vụ phát triển đảng viên mới, Đảng ta đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nghiêm minh, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tính riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên.
Tuy nhiên, đúng như nhận định của Ban Bí thư, công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đảng viên thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kết nạp đảng viên có biểu hiện chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng; việc kết nạp người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, người có động cơ không đúng đắn vào Đảng còn diễn ra ở nhiều nơi... Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, đánh giá chất lượng đảng viên còn hình thức. Việc rà soát, sàng lọc đảng viên chưa kịp thời, không quyết liệt...
Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Trung ương chỉ ra rằng: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”; “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn...”.
Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, không ít cán bộ, đảng viên mặc dù giữ các chức vụ quan trọng tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nhưng vì lợi ích cá nhân vẫn sẵn sàng coi nhẹ tư cách, phẩm chất đạo đức dẫn đến vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật. Đơn cử như mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội đã bị kỷ luật cách chức do vi phạm nghiêm trọng các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Hay ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cũng vừa bị khai trừ khỏi Đảng do vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử...
2. Thực tế trên đã chứng minh rằng, thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TƯ, ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư khóa XII về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng” là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết đặt ra đối với cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp. Làm tốt nhiệm vụ này không chỉ khắc phục tình trạng “đông nhưng không mạnh”, mà còn phòng ngừa tình trạng đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đảng viên tốt mới có cán bộ tốt, chi bộ tốt thì Đảng mới mạnh, mới lãnh đạo đất nước phát triển”. Vì vậy, thực hiện tốt Chỉ thị số 28-CT/TƯ cũng chính là thực hiện được yêu cầu cấp thiết, cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đặt ra, đó là nâng cao chất lượng đảng viên.
Trong Hướng dẫn số 02-HD/BTCTƯ ngày 12-4-2021 về “Tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, Ban Tổ chức Trung ương đã chỉ rõ 4 bước để rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đây là cơ sở để cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Trong đó, cần phải xác định rằng, việc rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và phải được thực hiện trên nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, minh bạch. Cấp ủy phải lấy phát hiện, kịp thời giáo dục, giúp đỡ đảng viên là chính; đồng thời, kiên quyết đưa đảng viên có vi phạm đã được giáo dục, giúp đỡ nhưng không tiến bộ ra khỏi Đảng. Một điều quan trọng là tuyệt đối không được thành kiến hoặc lợi dụng để trù dập đảng viên vì động cơ cá nhân. Trước khi đi đến quyết định khai trừ đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, các cấp ủy có thẩm quyền phải thực hiện quy trình gồm 4 bước rất chặt chẽ, cẩn trọng.
Đặc biệt, tại Hà Nội, cấp ủy các cấp cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”, trong đó không thể thiếu việc sàng lọc, đánh giá đảng viên.
Sự cần thiết phải sàng lọc đảng viên là rất rõ ràng: Ngăn chặn những phần tử cơ hội, phẩm chất kém lọt vào tổ chức đảng; loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất; bảo vệ, tăng cường sức sống của Đảng. Công cụ, cách thức tiến hành cũng đã đầy đủ. Theo chỉ đạo của Ban Bí thư, kết quả thực hiện sẽ là một tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên và người đứng đầu cấp ủy... Giờ là lúc bắt tay vào thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, vì tương lai phát triển của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.