Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen: ''Ảm đạm'' triển vọng duy trì thỏa thuận

Thùy Dương| 01/05/2023 07:38

(HNM) - Mới đây, Nga nhấn mạnh lại một vấn đề là các phần của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen liên quan đến xuất khẩu nông sản của nước này đã không được thực hiện, đồng thời cảnh báo triển vọng của thỏa thuận đang rất “ảm đạm” khi thời điểm cuối cùng để gia hạn đang đến gần. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm giải pháp để tiếp tục duy trì thỏa thuận này.

Các tàu vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen chờ đi qua eo biển Bosporus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga đã nhiều lần phát tín hiệu mạnh mẽ rằng họ sẽ không cho phép Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen - đã được thống nhất vào tháng 7 năm ngoái tiếp tục sau ngày 18-5 tới vì danh sách các yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này không được đáp ứng. Bộ Ngoại giao Nga hôm 27-4 cho rằng chỉ có việc thực hiện đầy đủ mới có thể cứu thỏa thuận khỏi sụp đổ. Hiện nay, những hạn chế đối với các khoản thanh toán, hậu cần và ngành bảo hiểm được áp đặt sau cuộc xung đột ở Ukraine đã tạo ra rào cản đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Mátxcơva.

Nga sẽ chỉ xem xét gia hạn thỏa thuận nếu đáp ứng các yêu cầu của họ liên quan đến 5 vấn đề mang tính hệ thống, gồm: Tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT; nối lại nguồn cung máy móc nông nghiệp, phụ tùng thay thế và các dịch vụ bảo trì; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm đi đôi với bãi bỏ lệnh cấm tiếp cận các cảng; khôi phục hoạt động của đường ống dẫn khí amoniac Tolyatti-Odessa; gỡ bỏ phong tỏa các tài sản cũng như tài khoản ở nước ngoài của các công ty Nga liên quan đến sản xuất, vận chuyển thực phẩm và phân bón.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã được gia hạn vào tháng 3-2023, nhưng Nga chỉ đồng ý tiếp tục thỏa thuận trong 60 ngày, một nửa thời gian dự kiến ban đầu, đồng thời nêu rõ, 60 ngày là khoảng thời gian đủ để đánh giá việc thực hiện bản ghi nhớ đã được ký kết với Liên hợp quốc. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, thỏa thuận nhằm giúp xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga "thực tế không có kết quả" và Mátxcơva quy trách nhiệm cho các nước phương Tây về việc tạo ra bế tắc.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký giữa Nga và Ukraine hồi tháng 7 năm ngoái dưới sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ giúp ngăn chặn nạn đói đang leo thang, thỏa thuận ngũ cốc còn mang đến một cơ hội để thế giới giải bài toán lạm phát lương thực toàn cầu đang trỗi dậy như một cơn sóng thần quật vào các nền kinh tế. Khoảng 28 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đã được xuất khẩu, thế nhưng chỉ có một phần nhỏ trong số 260.000 tấn phân bón của Nga bị mắc kẹt tại các cảng châu Âu được thông quan.

Trong bối cảnh như vậy, việc duy trì Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết sức mong manh, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực hết sức để gia hạn thành công thỏa thuận quan trọng này. Ngày 29-4, trả lời phỏng vấn tờ Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ), Bộ trưởng Ngoại giao nước này Mevlut Cavusoglu cho biết, ngũ cốc và phân bón của Nga có thể được mua thông qua trung gian là một ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ và ngân hàng này sẽ xử lý các khoản thanh toán cho Nga.

Theo ông M.Cavusoglu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhận được một lá thư với lộ trình của Liên hợp quốc để khắc phục những vấn đề này, trong đó đề cập tới sự tham gia của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ vào các giao dịch tài chính. Song, Thổ Nhĩ Kỳ cần có được sự bảo đảm rằng, các ngân hàng của mình không rơi vào lệnh trừng phạt.

Các nhà phân tích nhận định, phương Tây khó có thể nhượng bộ các yêu cầu của Nga. Và trong tình huống xấu nhất là Mátxcơva rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ gián tiếp đẩy cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng sâu rộng hơn ở những nước nghèo. Điều này đồng nghĩa với nghịch lý trong khi ngày càng có nhiều người nghèo đói cần lương thực thì ngũ cốc lại dư thừa ở Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen: ''Ảm đạm'' triển vọng duy trì thỏa thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.