Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kể từ ngày 5-9, quận Hai Bà Trưng triển khai mô hình “Phục vụ người có công với cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại nhà”.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Sau một thời gian chuẩn bị và triển khai thí điểm, quận Hai Bà Trưng vừa chính thức triển khai đồng loạt mô hình ý nghĩa trên tại bộ phận "một cửa" của UBND quận và toàn bộ 18 phường trên địa bàn, với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc và tinh thần tương thân, tương ái, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Là thương binh hạng 3/4, cùng với tuổi cao, sức yếu, việc đi lại hằng ngày của ông La Văn Bình (trú tại số 23H4, tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế) không được thuận lợi. Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, ông phải làm thủ tục xác nhận chữ ký trong hồ sơ đề nghị cải chính thông tin hồ sơ người có công.
“Hiểu được khó khăn này của tôi, công chức Tư pháp phường Phố Huế đã đến tận nhà hỗ trợ nhiệt tình, giúp tôi hoàn thiện các hồ sơ. Tôi rất cảm kích”, ông La Văn Bình chia sẻ.
Cũng do tuổi cao, sức yếu, bà Bùi Thị Thùy Nghĩa (trú tại số nhà 41 phố 332, phường Phố Huế) gặp nhiều khó khăn mỗi khi cần phải giải quyết thủ tục hành chính.
“Lần này, tôi phải hoàn thiện thủ tục chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền để nộp hồ sơ và nhận chế độ chúc thọ năm 2024. Tôi rất vui khi được công chức Tư pháp phường đến tận nhà hỗ trợ giải quyết. Tôi mong rằng, phường cũng như quận tiếp tục lan tỏa mô hình ý nghĩa này để những người già cả như chúng tôi không phải lo lắng mỗi khi cần giải quyết thủ tục hành chính”, bà Bùi Thị Thùy Nghĩa bày tỏ.
Là người trực tiếp hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính tại nhà cho 2 trường hợp trên, chị Nguyễn Thu Hương, công chức Tư pháp phường Phố Huế đánh giá cao ý nghĩa của mô hình này. Nhờ đó, người có công với cách mạng, người yếu thế, các trường hợp bất khả kháng được tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại nhà.
Trước đó (tháng 1-2024), phường Thanh Nhàn (có gần 400 người thuộc đối tượng trợ cấp an sinh xã hội và hơn 1.000 người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cùng gần 200 người già yếu, hạn chế khả năng vận động) đã thí điểm tổ chức phối hợp xử lý, giải quyết và chứng thực chữ ký/điểm chỉ tại nhà cho những đối tượng này để chuyển cơ quan chức năng giải quyết chế độ kịp thời.
Phường sử dụng Tổ chuyển đổi số cộng đồng, đoàn viên thanh niên, cảnh sát khu vực làm lực lượng nòng cốt, đến tận nhà hỗ trợ người dân. Đến nay, phường đã có 359 trường hợp được giải quyết nhờ áp dụng sáng kiến này.
Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Phan Thị Thanh Mai chia sẻ, để triển khai mô hình này, UBND phường tổ chức tuyên truyền trong cuộc họp giao ban Tổ trưởng dân phố và Tổ chuyển đổi số cộng đồng từ tháng 8-2024, đăng bài tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của phường.
“Chúng tôi quán triệt rõ đến cán bộ cơ sở, nếu trước đây chỉ hỗ trợ người yếu thế giải quyết tại nhà với một số thủ tục hành chính thì nay thực hiện với 100% thủ tục được công khai tại bộ phận “một cửa”. Trong đó, có những lĩnh vực như cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc triển khai mô hình đòi hỏi sự linh hoạt, tập trung, trách nhiệm cao của cán bộ chuyên môn cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận với địa bàn dân cư”, bà Phan Thị Thanh Mai cho hay.
Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính
Theo rà soát đến thời điểm này, quận Hai Bà Trưng có 3.051 người có công với cách mạng, người yếu thế và những trường hợp bất khả kháng có đăng ký cư trú và sinh sống thực tế trên địa bàn thuộc danh sách được phục vụ theo mô hình. Từ ngày 5-9 đến nay, toàn quận đã phục vụ được 21 trường hợp.
Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận, Trưởng bộ phận “một cửa” quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, mục tiêu quan trọng của mô hình này là tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
“Việc triển khai mô hình vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô càng có nhiều ý nghĩa. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức các cấp của quận thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, nâng cao trách nhiệm, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ.
Để được phục vụ giải quyết thủ tục hành chính tại nhà, người có công với cách mạng, người yếu thế có đăng ký cư trú và sinh sống thực tế trên địa bàn quận liên hệ trực tiếp đến số điện thoại hỗ trợ của UBND phường nơi người dân sinh sống. Sau khi tiếp nhận thông tin từ UBND phường, Tổ chuyển đổi số cộng đồng sẽ đến địa chỉ người dân đăng ký cư trú, hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ thành phần hồ sơ, điền thông tin vào các biểu mẫu theo quy định. Đồng thời, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng để mức phí bằng không (không thu phí). Đối với hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tiếp, Tổ chuyển đổi số cộng đồng sẽ tiếp nhận hồ sơ từ người dân và bàn giao hồ sơ về bộ phận “một cửa” giải quyết.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc cho biết, việc thực hiện mô hình này đòi hỏi quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ của các bộ phận thực thi nhiệm vụ. Để thực hiện chủ trương của thành phố về giải quyết thủ tục hành chính tại nhà cho người yếu thế, UBND quận đã chủ động mở rộng phục vụ không chỉ người yếu thế, mà cả đối tượng người có công, các trường hợp bất khả kháng.
Danh sách này được cập nhật vào ngày 5 hằng tháng, trên cơ sở rà soát kỹ lưỡng của UBND các phường. Mỗi cá nhân được phục vụ giải quyết thủ tục hành chính tại nhà đều nhận được tờ Thông báo của UBND quận. Trong đó, mỗi phường lập 1 nhóm Zalo để chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị, với thành phần gồm: Phó Chủ tịch UBND quận, lãnh đạo phòng chuyên môn, lãnh đạo UBND phường, công chức bộ phận “một cửa” quận, phường và các thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Để việc thực hiện mang lại lợi ích thực chất cho người dân, Phó Chủ tịch UBND quận Phan Văn Phúc cho biết, các địa phương ưu tiên nguồn lực triển khai và xác định kết quả triển khai mô hình là một trong những căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024; đặc biệt hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.