(HNM) - Người Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp thường nhắc đến bà Phạm Thị Vân với sự trân trọng, biết ơn. Là người bạn đời, là đồng chí của ông Quản Xuân Nam, bà đã góp phần không nhỏ vào hoạt động của Hội Truyền bá quốc ngữ (năm 1938)...
Hoạt động truyền bá quốc ngữ
Năm 1938, theo chủ trương của Đảng, Hội Truyền bá quốc ngữ được thành lập nhằm tuyên truyền công khai đường lối cách mạng của Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Ông Quản Xuân Nam là một trong những sáng lập viên đầu tiên của Hội. Nhưng không mấy ai biết rằng, trước đó, các tài liệu và sách "Chống nạn mù chữ" mà ông Nam viết rồi bán ở Hà Nội-Hải Phòng từ năm 1937 lại do bà Phạm Thị Vân ủng hộ tài chính in ấn và đi bán giùm người đồng chí mà bà kính trọng.
Bà sinh năm 1919 tại quê hương Vụ Bản, Nam Định nhưng tuổi thơ sớm lưu lạc ra thành phố Hải Phòng làm con nuôi nhà người. Cảng Hải Phòng lầm lụi với Bến Bính, phố Cát Dài, Cầu Rào, Cầu Đất, là nơi bà đã sống và hoạt động thuở mười tám đôi mươi. Ở trong con ngõ nhỏ Tham Thuật, cặm cụi đan len thuê cho chủ, nhưng khi được bà Hoàng Ngân và ông Tô Gĩ (tức Tô Chấn) giác ngộ, hoạt động bí mật, bà đã bán cả dây chuyền và nhẫn vàng, ủng hộ cách mạng. Những dòng hồi ký bà để lại trên trang giấy đã ố vàng mà anh Quản Xuân Hùng, con trai của ông bà đưa cho tôi xem, đã cho chúng ta một đôi điều về cái thuở ban đầu in ấn tài liệu và sách, vận động nhân dân học chữ quốc ngữ: "Sách in xong không có tiền lấy. Đồng chí Nam viết thư cho tôi, bảo tôi phải chạy tiền. Có ngày, anh đánh điện mấy lần, nếu không có tiền lấy, sách sẽ bị hủy. Tôi vội bán hột xoàn và nhẫn đi lấy tiền cho anh Nam lấy sách. Sau đó, anh Nam gọi tôi lên Hà Nội, đến nhà ông Phạm Lê Bổng ở phố Hàng Bồ, lúc đó là chủ nhiệm tờ "Tổ quốc Việt Nam", in bằng tiếng Pháp nhờ ông giúp đỡ khâu phát hành. Tôi đã vận động được ông nhận cho mỗi quyển sách Chống nạn thất học vào trong tờ báo để phát hành, không lấy tiền. Nhờ đó, sách được tuyên truyền khắp ba miền". Ở Hải Phòng, bà tích cực đi vận động bà con lao động học chữ quốc ngữ và chính bà cũng làm cô giáo dạy chị em ở chùa Vẽ.
Bà Phạm Thị Vân và ấn phẩm Nhựa Sống (ảnh trên) |
Sau ngày kết duyên với ông Quản Xuân Nam, từ năm 1939, bà lên hẳn Hà Nội sống và hoạt động. Dù ở 63 Hà Trung hay ở 80bis Chợ Đuổi, căn nhà nhỏ bà thuê đã trở thành nơi hội họp, đi lại thường xuyên của các đồng chí trong Hội Văn hóa cứu quốc và Dân chủ đảng như Nguyễn Hữu Đang, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Kim Xuyến, Dương Đức Hiền. Bà tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đồng chí hoạt động cho đến ngày Hà Nội sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa. Khi ấy, ông Quản Xuân Nam là cơ sở tin cậy của Việt Minh trong giới công chức đang làm việc ở Tòa Thị chính. Nhờ những tin tức chính xác do ông và nhóm trí thức ủng hộ Việt Minh cung cấp mà ta biết được âm mưu của địch, từ đó, ta chủ trương kiên quyết phá cuộc mít tinh của Tổng hội công chức sáng 17-8-1945 ở quảng trường Nhà hát Lớn, biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh. Biết chồng đang làm nội ứng cho Ủy ban khởi nghĩa, bà đã ngầm giúp đỡ và sát cánh bên chồng trong giờ phút trọng đại của Hà Nội - khởi nghĩa giành chính quyền.
Làm báo và nuôi giấu cán bộ kháng chiến
Tin dữ từ chiến khu bay về Hà Nội- chồng bà hy sinh trong trận giặc Pháp oanh tạc ở xã Phú Minh, Thái Nguyên (tháng 6-1947). Trong lòng Hà Nội đau thương bị giặc chiếm đóng, bà Phạm Thị Vân một nách nuôi ba con nhỏ, con lớn nhất mới 8 tuổi, con út nhỏ nhất mới 2 tuổi. Bà đổi tên là Trần Thị Hiền để giấu tung tích và tìm cách tiếp tục hoạt động. Bà thuê nhà Hàng Lược, vừa kiếm kế sinh nhai vừa bắt liên lạc với kháng chiến. Sau đó bà đến 71 phố Bát Sứ (nay là số 31) thuê nhà bà Bảy ở và làm cơ sở kháng chiến để in Báo Nhựa Sống của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội.
Lúc đầu, Báo Nhựa Sống được in bằng đá ẩm và số 1 của báo ra mắt khoảng tháng 3-1950. Ban Biên tập gồm các ông Dương Linh, Lê Tám, Trần Khắc Cần (tức Lê Văn Ba). Bài vở có đủ cả trang thời sự, tình hình thế giới và trong nước, văn nghệ… đáp ứng khao khát của học sinh sinh viên yêu nước được đọc báo "đằng mình". Các Hiệu đoàn kháng chiến của các trường Chu Văn An, An-be Xa-rô, Gia Long… tích cực chuyển báo về cho đoàn viên và còn nhân bản thêm. Gần một năm sau, báo mới được cải tiến khâu in - in bằng rô nê ô tại 71 phố Bát Sứ . Anh Quản Xuân Hùng, con trai bà, khi đó mới 6 tuổi, nói: "Tôi nghe mẹ kể lại, bà Bảy cũng là cảm tình kháng chiến. Bà Bảy có cửa hàng sắt và mẹ tôi đã thuyết phục bà đồng ý cho ta đưa máy in rô nê ô về nhà. Máy đặt ở chân cầu thang ngay gần toa-lét, mẹ tôi trông coi việc in ấn và đảm nhận cả việc đưa báo bí mật trong thanh niên học sinh các trường trung học".
Bà Vân đã viết bài Lòng thiếu nữ lấy bút danh là Việt Nữ, tên con gái đầu lòng. Tờ báo đã đáp ứng và nói trúng nguyện vọng của thanh niên góp phần giữ vững ngọn lửa đấu tranh của thanh niên, sinh viên suốt ba năm 1950-1952. Còn bà vẫn lặng lẽ làm người nuôi giấu các đồng chí ăn ở, hội họp và in truyền đơn.
Theo gợi ý của các đồng chí lãnh đạo quận ủy nội thành, bà xin vào làm ở Tòa Thị chính để có điều kiện che mắt địch hoạt động. Phòng giới thiệu mẫu hàng nội hóa của Tòa Thị chính trở thành địa điểm liên lạc an toàn, địch không hề biết. Ngôi nhà nhỏ số 21, ngõ 215 phố Hàng Bột là nơi các đồng chí Tiến Đức, Nguyễn Bắc, cán bộ Quận ủy nội thành; Dương Linh, Lê Tám, Lê Sỹ, cán bộ Đoàn học sinh kháng chiến, đều tin cậy, tìm đến bà. Bà Thúy Hạnh, cán bộ phụ vận ở nhà bà hàng tuần liền, đêm đêm vào phố Khâm Thiên, lên chợ Đồng Xuân… gây dựng cơ sở. Anh Quản Xuân Hùng rất nhớ: "Hồi đó, tôi đang học ở Trường Lý Thường Kiệt phố Sinh Từ. Thi thoảng, mẹ tôi "làm giỗ", có 7-8 bác đến ăn giỗ, tôi có nhiệm vụ gác ở đầu ngõ. Bốt địch ở ngay đầu phố Cát Linh, gần nhà tôi lắm. Có lần chúng đến khám xét, ba chị em chúng tôi đều ở nhà; chúng đòi mở khóa tủ, chị Việt Nữ chỉ ảnh mẹ tôi bảo: "Mẹ cháu giữ chìa khóa, đang làm ở hiệu thuốc Thẩm Hoàng Tín". Chúng nghe thấy tên ông dược sĩ nổi tiếng của Hà Nội thì bỏ đi. Sau đó, mẹ tôi vào làm ở Tòa Thị chính. Tôi thường thấy mẹ đi xe đạp của Pháp, mặc quần áo dài với đôi guốc trắng, rất quý phái, tiếp khách ở nhà giới thiệu sản phẩm công nghệ, nay là 12 Bờ Hồ. Lớn một chút, tôi mới hiểu, mẹ ăn mặc thế để che mắt địch mà hoạt động".
Trong bản tự thuật để lại cho Đảng, bà viết: "Hoạt động bí mật ở trong lòng địch phải muôn màu, muôn vẻ, mưu trí, linh hoạt mới đối phó được với địch. Hà Nội lúc đó mật thám chỉ điểm như rươi; màng lưới của chúng vây quét chặt, bất ngờ vây từng khu, khám từng nhà; phải có gan lắm mới dám hoạt động, nuôi giấu cán bộ kháng chiến. Hoạt động bí mật mà đặt máy rô nê ô Trung Quốc cồng kềnh ngay trong nhà, tôi cũng không chối từ nhiệm vụ được giao. Tôi luôn luôn nghĩ rằng Tổ quốc với gia đình là một". Chính với tấm lòng yêu nước, phục vụ Đảng vô điều kiện ấy mà trong kho thuốc của hiệu thuốc gia đình ở ngay Cửa Nam, bà cũng tìm cách in báo Chiến Thắng, cơ quan ngôn luận của Quận ủy nội thành. Ở số nhà 21, ngõ 215 Hàng Bột, bà cùng ông Lê Tám in truyền đơn, tài liệu bằng giê-la-tin cho Đoàn học sinh kháng chiến. Khi Báo Nhựa Sống in được 20 số thì một số cán bộ cốt cán bị bắt nên không còn điều kiện in ấn được nữa.
Tấm lòng son, trung kiên, gan dạ của bà cũng như bao người con yêu của Hà Nội anh hùng đã góp phần vào ngày Thủ đô rực rỡ cờ hoa trong niềm vui được giải phóng. Năm 2005, bà đã về cõi tiên, để lại trong lòng đồng chí, đồng đội bao niềm kính trọng, thương tiếc người phụ nữ can trường, suốt đời âm thầm phục vụ cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.