Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất nông nghiệp chủ động vượt thách thức

Ngọc Quỳnh| 21/04/2022 07:25

(HNM) - Trong 3 tháng đầu năm 2022, sản xuất nông nghiệp cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao và dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, với phương châm: "Tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật", ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín). Ảnh: Nguyễn Quang

Nông nghiệp tăng 2,45%

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, trong quý I-2022, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường... mang lại hiệu ứng tích cực. Kết quả, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lương thực, cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi bò, lợn và gia cầm giữ nhịp tăng trưởng... Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 785.000ha lúa đông xuân, chiếm 52,1% diện tích gieo cấy và bằng 114,8% cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn của cả nước đã lên tới hơn 28 triệu con, tăng 4,2%; đàn gia cầm hơn 510 triệu con, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước...

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt kết quả đáng ghi nhận; toàn ngành đạt mức tăng trưởng hơn 3,39%.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang Hoàng Hải Lý thông tin, trong quý I-2022, toàn tỉnh tập trung thu hoạch cây trồng vụ đông và gieo trồng vụ xuân theo đúng khung thời vụ (diện tích lúa xuân đã cấy là 9.279ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước); đồng thời tập trung thu hoạch, chuẩn bị đất trồng mới cây chè và các loại cây ăn quả khác (tính đến tháng 3-2022, toàn tỉnh đã thu hoạch 80.750 tấn cam)…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, giá trị gia tăng của ngành Nông nghiệp là 2,45% nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (tăng 3,1%). Diện tích, năng suất lúa vụ đông xuân giảm 0,5% so với vụ trước; việc xuất khẩu các sản phẩm vào vụ thu hoạch như thanh long, mít, xoài... gặp nhiều khó khăn... Hơn nữa, giá nguyên liệu, vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng giá sản phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn rơi vào tình trạng bấp bênh.

Đồng bộ các giải pháp

Để đạt mục tiêu tăng trưởng quý II-2022 là 2,9-3% với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 12-13 tỷ USD, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Các tỉnh phía Nam tập trung thu hoạch lúa đông xuân, gieo cấy và chăm sóc lúa hè thu; đồng thời chỉ đạo rải vụ các loại cây công nghiệp, cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng… bảo đảm có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Còn Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho rằng, các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, qua đó thúc đẩy phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường...

Để giải quyết các vấn đề thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, Bộ NN&PTNT đang tập trung đàm phán để thúc đẩy xuất khẩu ớt, sầu riêng, sữa và sản phẩm sữa… sang thị trường Trung Quốc; nhãn sang Nhật Bản; sản phẩm động vật sang Hàn Quốc… Cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, rau, quả thực hiện đúng quy định của các thị trường châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Để duy trì mục tiêu tăng trưởng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ cùng các địa phương sớm lên kế hoạch cho vụ mùa, vụ đông và có điều chỉnh cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, tăng cường triển khai các mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi... Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, rau màu; mở rộng diện tích sản xuất các giống hoa, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao...; đồng thời thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra giá vật tư nông nghiệp, chủ động sản xuất theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu, các địa phương chú trọng việc theo dõi, nắm bắt, tổng hợp thông tin về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản trong điều kiện mới và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước. Cùng với đó là tiếp tục tháo gỡ khó khăn tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm cũng như các cửa khẩu chính với Trung Quốc... để ổn định tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất nông nghiệp chủ động vượt thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.