(HNMO) - Ngày 10-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức hội thảo phát triển hoa cây cảnh trở thành ngành kinh tế có giá trị cao ở nông thôn.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, diện tích hoa cây cảnh cả nước khoảng hơn 50.000ha, trong đó diện tích tập trung chuyên canh khoảng 35.000ha, riêng mặt hàng hoa tươi thương mại có khoảng 11.000ha, sản lượng 4,5 tỷ cành, trong đó xuất khẩu khoảng 1 tỷ cành, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu USD mỗi năm. Nhiều mô hình sản xuất cây cảnh, hoa cảnh đạt giá trị thu nhập cao từ 1-2,5 tỷ USD/ha.
Đặc biệt, có một số mô hình (quy mô 50-100ha) thu nhập đạt 3-5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 6-7 lần so với các loại cây trồng khác. Ngành sản xuất hoa ở nước ta đã phát triển không ngừng, bộ giống hoa và công nghệ trồng hoa đã tiếp cận công nghệ trồng của thế giới. Từ chỗ miền Bắc không trồng được hoa lily, đến nay, mỗi năm Việt Nam đã trồng được vài trăm héc ta hoa lily, chất lượng hoa không thua kém hoa nhập khẩu và hoàn toàn có thể xuất khẩu.
Tại hội thảo các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại trong sản xuất hoa, cây cảnh ở Việt Nam như: Kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu so với các nước trong khu vực, chủ yếu trồng ở ngoài tự nhiên mà chưa đầu tư hệ thống khép kín nhà màng, nhà lưới... Các giống hoa, cây cảnh chủ yếu có nguồn gốc trong nước: Đào bích, quất Văn Giang, hồng Đà Lạt... Kỹ thuật thu hái, xử lý, bảo quản, đóng gói sản phẩm còn thấp nên chất lượng hoa sau thu hoạch sụt giảm. Do đó, sản phẩm hoa, cây cảnh của Việt Nam khó cạnh tranh về giá, chất lượng với các loại hoa của các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan...
Để sản xuất hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế có thu nhập cao ở nông thôn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Nguyễn Hữu Vạn cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện chu trình khép kín từ nghiên cứu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ, trong đó phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ chủ động được 1/3 số lượng giống hoa, cây cảnh... Đồng thời, các địa phương nên quy hoạch một số vùng sản xuất hoa chuyên canh, xây dựng thương hiệu hoa, trung tâm giao dịch và chợ đầu mối bán buôn hoa, cây cảnh ở một số vùng trọng điểm có sản lượng hoa, cây cảnh lớn như: Huyện Mê Linh, quận Tây Hồ (Hà Nội); huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.