Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2010: Gỡ khó, cán đích

Thanh Mai| 08/07/2010 06:57

(HNM) - Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được tổ chức sáng 6-7, tại hai đầu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương dự báo, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nên cả năm, hai lĩnh vực quan trọng này có khả năng vượt kế hoạch tăng trưởng 12%.

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Giày Thụy Khuê. Ảnh: Trung Kiên


Vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại

Nhìn nhận kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Công thương cho rằng, toàn ngành tuy đạt mức tăng trưởng về sản xuất công nghiệp cao nhưng hiệu quả chưa cao (giá trị gia tăng chỉ là 6%). Nhiều công trình đầu tư chậm tiến độ do doanh nghiệp (DN) không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng bởi lãi suất cao. Xuất khẩu tuy tăng nhưng chưa vững chắc, nhiều mặt hàng đã đến ngưỡng như cà phê, hạt tiêu… Bên cạnh đó, bài toán nhập siêu vẫn còn nan giải. Khó khăn nhất hiện nay là giá đầu vào cho sản xuất tiếp tục tăng nhanh hơn giá bán sản phẩm, vì vậy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN bị hạn chế.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may không nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư nên các dự án đang bị chậm. Không những thế, cùng với giá sản xuất nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí của các đơn vị cũng tăng do phải liên tục đào tạo lao động; chi phí bồi dưỡng làm ca để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Tình hình cung cấp điện vẫn khó khăn do hệ thống điện vừa phải huy động tối đa các nguồn cung ứng ở mức cao nhất, vừa sớm khắc phục sự cố để các nhà máy nhiệt điện hoạt động ổn định, bảo đảm cung ứng điện.

Nhiều đại biểu còn đề cập đến tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào sản xuất công nghiệp giảm so với các năm trước. Hiện chỉ còn khoảng 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng tới việc nâng cao năng lực sản xuất trong thời gian tới.

Giải pháp gỡ khó
Bộ Công thương đã yêu cầu DN, các sở công thương và đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt hơn các giải pháp đề ra trong chương trình hành động nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích cực phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), TKV và các nhà sản xuất điện khác nhằm huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng tối đa cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để đẩy mạnh sản xuất phải hạn chế nhập siêu. Nhập nhiều nguyên, phụ liệu, nhưng phải phân biệt hàng nhập khẩu cho sản xuất và xuất khẩu; đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Sở Công thương sẽ tiếp tục làm việc với các tập đoàn, tổng công ty và hiệp hội ngành hàng lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài rà soát khả năng về mặt hàng, thị trường xuất khẩu, xác định cụ thể mục tiêu và biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu của từng đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Trên cơ sở đó xây dựng thị trường hoặc nhóm thị trường trọng điểm để tập trung đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, phát huy thiết bị đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư, góp phần giảm nhập siêu. Thời gian tới vẫn phải duy trì nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện các dự án đầu tư cho nhiều ngành cơ bản như năng lượng, hóa chất, dệt may. Vì vậy, các DN cần rà soát việc nhập khẩu thiết bị máy móc cần thiết, phục vụ sản xuất ở mức độ hợp lý. Bộ Công thương đã và đang xây dựng những hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhất là các dự án tăng năng lực sản xuất cho những năm tới. Bộ tiếp tục tổ chức tập huấn cho các địa phương về nội dung các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, làm rõ các lợi thế cắt giảm thuế quan qua từng năm đối với từng nhóm hàng Việt Nam có thể thụ hưởng, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2010: Gỡ khó, cán đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.