Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất công nghiệp Thủ đô: Một năm khởi sắc

Thanh Hải - Ánh Dương| 07/01/2023 06:10

(HNM) - Năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn do dịch bệnh và sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt là sự sáng tạo, chủ động của doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp rất khởi sắc, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế Thủ đô. Đây là bước tạo đà phát triển quan trọng cho năm 2023.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chần bông Tín Phát (Cụm công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm). Ảnh: Trung Hiếu

Những con số ấn tượng

Càng gần đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam - Vietfoods (Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) càng hối hả. Công nhân Lê Văn Vinh cho biết, thời gian qua, đơn hàng về dồn dập nên các dây chuyền sản xuất thực phẩm vận hành liên tục. Công việc ổn định, đời sống người lao động được bảo đảm, với mức thu nhập bình quân dao động 10-14 triệu đồng/tháng.

Theo Giám đốc Vietfoods Lê Thị Hậu Phương, năm 2022, đơn vị đạt doanh thu gần 130 tỷ đồng. Để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đơn vị đã chủ động lựa chọn nông sản từ các vùng sản xuất an toàn được cơ quan chức năng cấp chứng nhận, đồng thời phát động phong trào “sáng tạo, đổi mới quy trình sản xuất”. Nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, làm hài lòng đối tác, từ đó giúp tăng doanh thu cho công ty, tăng thu nhập cho người lao động.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt thông tin, việc ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, thiết kế và tổ chức sản xuất giúp đơn vị tiết kiệm chi phí. Nhờ vậy, tổng doanh thu của May 10 tăng 18,42% so với kế hoạch, tăng 27,93% so với năm 2021; lợi nhuận tăng lần lượt là 8,33% và 41,97%.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty cổ phần Chần bông Tín Phát (Cụm công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm) Phan Lê Nam cho hay, năm 2022, mặc dù còn không ít khó khăn, song với sự hỗ trợ của các cấp, ngành và nỗ lực của người lao động, đơn vị đạt doanh thu hơn 90 tỷ đồng.

“Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công ty chi thưởng 2 tháng lương kèm một phần quà cho mỗi người lao động, để động viên họ đã nỗ lực cố gắng, đồng hành cùng công ty”, ông Phan Lê Nam nói.

Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, động lực tăng trưởng của Thủ đô năm 2022 được xác định là sản xuất công nghiệp và dịch vụ, với sức vươn rất ấn tượng. Cụ thể, sản xuất công nghiệp trong quý IV-2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi, với mức tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với năm 2021, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam - Vietfoods. Ảnh: Trung Hiếu

Bước tạo đà cho năm mới

Có được kết quả ấn tượng trên, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành. Nhiều giải pháp mà thành phố đề ra trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chủ động đa dạng nguồn cung nguyên liệu, mở rộng thị trường... Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng.

Năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển thị trường, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực. Theo kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2023, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 300-350 doanh nghiệp/950 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Chỉ số phát triển công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng 11-12%.

Về giải pháp, Sở Công Thương sẽ thuê chuyên gia tư vấn trực tiếp, hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, quản lý và phát triển sản phẩm…; tổ chức 2 hội chợ chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ với quy mô khoảng 200-300 gian hàng/hội chợ, với sự tham gia của doanh nghiệp Hà Nội, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

Đối với sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong năm 2023, thành phố sẽ thu hút 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực (trong đó có 10-15 sản phẩm được công nhận lần đầu); phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố về khoa học công nghệ; nguồn nhân lực; đẩy mạnh xúc tiến thương mại…

Các sở, ban, ngành của thành phố tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư..., tạo thuận tiện cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Thành phố cũng yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng mới và hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, tạo sự liên kết với các địa phương trong Vùng Thủ đô.

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết thêm, năm 2023, huyện đặt mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác cụm công nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Còn Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho rằng, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao, nghiên cứu thị trường, phát triển các dòng sản phẩm mới… là giải pháp duy trì tăng trưởng của công ty trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất công nghiệp Thủ đô: Một năm khởi sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.