(HNM) - Ngày 30-12-2009, để tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Sau 90 ngày (tức là trước ngày 30-3-2010), mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước phải chấm dứt hoạt động.
Quyết định đó có thể sẽ gây sốc đối với một số đơn vị, cá nhân. Nhưng chắc chắn đó là một quyết định cần thiết. Hãy thử nhìn lại những cơn "sốt nóng", với mức giá không ngừng leo thang từng ngày, từng giờ, thậm chí tới từng phút đối với mặt hàng vàng trong thời gian vừa qua mang lại lợi ích cho ai? Rõ ràng, một nguồn vốn không nhỏ trong xã hội bị tồn đọng cho việc đầu cơ mặt hàng này; lợi nhuận trong kinh doanh (mua bán, trao đổi) dù mang lại lãi suất cho một số tập thể, cá nhân, song nhìn chung không thúc đẩy sản xuất phát triển để làm tăng thêm của cải vật chất cho xã hội. Bên cạnh đó, hình thức kinh doanh này, ở một khía cạnh nào đó còn tạo ra sự mất ổn định, thậm chí tiềm ẩn những hậu quả khó lường về thiệt hại gây ra đối với nền kinh tế.
Hiện cả nước có khoảng 20 sàn vàng được tổ chức theo 4 dạng, đó là ngân hàng thương mại thành lập và nhà đầu tư mở tài khoản tại ngân hàng như Trung tâm Giao dịch vàng Á Châu, Phương Nam, SacomBank, Việt Á...; do các tổ chức, cá nhân hình thành và nhà đầu tư tham gia đóng tiền vào một tài khoản đứng tên công ty thành lập sàn, như Trung tâm Giao dịch vàng Phố Wall, Châu Á, 24K...; cũng có thể là các tổ chức và ngân hàng tham gia góp vốn thành lập qua hình thức công ty và nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch như Trung tâm Giao dịch vàng Việt Nam...; cuối cùng là do các công ty tổ chức, nhà đầu tư kinh doanh trực tiếp vàng bằng USD ra nước ngoài, như Kim Thiệu, Kim Minh Ðạt... Tại mỗi sàn, doanh số giao dịch mỗi ngày lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Mô hình giao dịch vàng tại một số sàn vàng ở Việt Nam hiện nay là khách hàng muốn tham gia kinh doanh chỉ cần ký quỹ một lượng tiền rất nhỏ (7%) giá trị giao dịch, số còn lại được ngân hàng (phục vụ sàn vàng) cho vay. Như vậy người kinh doanh có thể thực hiện lệnh mua hoặc bán gấp hơn 13 lần lượng vốn mình có. Với mô hình như vậy thì có thể thấy hoạt động của sàn vàng đang ẩn chứa những sự rủi ro rất cao. Trong khi đó, mối quan hệ giữa người đầu tư và chủ sàn giao dịch rất thiếu cơ sở pháp lý cần thiết. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà cung cấp "sàn vàng" vừa kinh doanh vừa sống trong lo lắng, còn nhà đầu tư thường bị thua thiệt khi xảy ra tranh chấp.
Phân tích như trên để thấy rằng, loại hình kinh doanh sàn vàng hiện nay là khá rủi ro cho giới đầu tư và cả hệ thống tài chính vì kinh doanh vàng tài khoản là một ngành đặc thù có liên quan đến cung - cầu tiền tệ quốc gia.
Cuối năm 2009, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội đã nêu rõ: "Chính phủ cần chủ động kiểm soát các nhân tố gây lạm phát cao trở lại; xử lý kiên quyết tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến, các tiêu cực gây mất ổn định thị trường tiền tệ". Đặc biệt, nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ cần sử dụng dự trữ ngoại hối Nhà nước đúng mục đích; có biện pháp tích cực, linh hoạt để ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, ổn định thị trường vàng trong nước thích ứng với biến động của thị trường vàng thế giới... Do đó, việc chủ động thắt chặt công tác quản lý đối với các hoạt động kinh doanh vàng là hoàn toàn cần thiết và đây là một quyết định có tính dự báo và nhìn trước những hậu quả xấu có thể xảy ra. Trên thực tế, chúng ta đã có quá nhiều bài học về việc "mất bò mới lo làm chuồng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.