Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Thu Trang| 01/08/2022 06:37

(HNM) - Dù đến thời điểm này, nước ta chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, nhưng theo các chuyên gia y tế trong và ngoài nước, đây chỉ còn là vấn đề thời gian. Hiện tại, Việt Nam đã chủ động đưa ra các biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với căn bệnh thuộc diện tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu này.

Tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Lên phương án giám sát, điều trị bệnh

Chỉ một tuần sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, ngày 29-7, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Do đó, việc ban hành sớm hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh để khoanh vùng những ca bệnh đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ diễn biến thành dịch.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng đã sớm phân tuyến điều trị, tránh dồn bệnh nhân về tuyến trên. Cụ thể, tại y tế xã, phường; quận, huyện tiếp nhận điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường. Còn tuyến tỉnh, trung ương điều trị các ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng, gồm: Trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai; ca bệnh có biến chứng nặng.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị, đó là: Giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu; các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Theo Bộ Y tế, với các ca bệnh nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh cần thực hiện giám sát và cách ly. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý. Tiêu chuẩn xuất viện với bệnh nhân là người bệnh cách ly tối thiểu 14 ngày và đã hết các triệu chứng về lâm sàng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, Sở đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tại Cảng hàng không để phát hiện những trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đồng thời triển khai các biện pháp quản lý, xét nghiệm, phòng, chống dịch. Cùng với đó, triển khai tập huấn, hướng dẫn chuyên môn phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị trong ngành.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập phối hợp với CDC Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện thị xã tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Ngoài ra, tại các cơ sở y tế cần tăng cường công tác khám, phát hiện các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh... Khi phát hiện ca mắc phải liên hệ ngay với trung tâm y tế và CDC Hà Nội để phối hợp điều tra dịch tễ, thu thập bệnh phẩm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: Thu Hồng

Thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế

Từ một vài nước lưu hành, đậu mùa khỉ đang lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia đang tìm nguyên nhân gây ra tình trạng trên, song theo ông Eric Dziuban, Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, hiện chưa có được câu trả lời chính xác. Giả thuyết được đặt ra, đó là bệnh đậu mùa từng xuất hiện cách đây nhiều năm và được xóa sổ vào năm 1970. Từ sau mốc thời gian này, người dân không còn tiêm phòng vắc xin đậu mùa. Đây có thể là nguyên nhân khiến căn bệnh này quay trở lại. Hiện cũng chưa có thông tin về việc di cư quốc tế, thay đổi khí hậu đóng vai trò gì, khiến lây lan bệnh đậu mùa khỉ.

“CDC Hoa Kỳ đang làm việc cùng các tổ chức quốc tế để Việt Nam có sớm nhất sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ. Ngoài ra, các nước trong tâm dịch hoặc lưu hành ca bệnh đang nỗ lực tiếp cận nguồn cung vắc xin. Một số nước như: Hoa Kỳ và châu Âu đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất vắc xin đậu mùa khỉ. Không giống như Covid-19, vắc xin đậu mùa khỉ không tiêm đại trà, mà chỉ sử dụng cho người đã mắc hoặc người có nguy cơ nhiễm”, ông Eric Dziuban nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, người dân không nên quá hoang mang, bởi đậu mùa khỉ khó có thể lây lan và trở thành đại dịch như Covid-19. Thống kê các ca đậu mùa khỉ cho thấy, bệnh này chủ yếu lây lan qua tiếp xúc gần, qua giọt bắn lớn tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Đa số ca bệnh trên thế giới mắc đậu mùa khỉ là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và nhiều bạn tình.

Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, như: Giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi... và liên hệ cơ quan y tế khi có phát ban cấp tính, không rõ nguyên nhân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.