(HNM) - Từ 0h ngày 6-1, các nhà máy thủy điện sẽ điều tiết nước hồ thủy điện, bổ sung dòng chảy các sông: Hồng, Đà, Đuống… phục vụ Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du, Đồng bằng Bắc Bộ lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ xuân 2023. Để sử dụng hiệu quả nguồn nước này, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng tiếp nguồn ngay khi mực nước sông đủ điều kiện vận hành công trình.
Theo Bộ NN&PTNT, vụ xuân năm nay, các nhà máy thủy điện sẽ điều tiết nước hồ thủy điện trong 2 đợt với tổng số 12 ngày. Cụ thể, đợt 1 bắt đầu từ 0h ngày 6-1 đến 24h ngày 9-1; đợt 2 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 1-2 đến 24h ngày 8-2. Trong đợt 1, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn quận Long Biên) được duy trì trung bình ở mức 1,7m. Trong đợt 2, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du và dự kiến mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội sẽ đạt khoảng 1,8-1,9m. Như vậy, lịch điều tiết nước năm nay giảm 1 đợt và 4 ngày so với năm 2022...
Nhận định công tác lấy nước năm nay sẽ rất khó khăn nên Sở NN&PTNT Hà Nội sớm chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi thành phố xây dựng phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước vụ xuân 2023…
Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động huy động nguồn lực tu sửa công trình lấy nước. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải cho biết, đơn vị đã hoàn thành nạo vét, khơi thông các tuyến kênh chính, kênh cấp 2, cống lấy nước, cửa khẩu bể hút trạm bơm tưới; tháo dỡ vật cản trên kênh, bảo đảm thông thoáng dòng chảy. Bên cạnh đó, công ty đã hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng 32 tổ máy Trạm bơm dã chiến Phù Sa, 3 tổ máy Trạm bơm dã chiến Sơn Đà, 8 tổ máy Trạm bơm Trung Hà…
Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Vũ Mạnh Hùng cũng cho hay, đơn vị đã hoàn thành nạo vét kênh dẫn đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ qua cống Liên Mạc; lắp đặt 34 trạm bơm dã chiến với 57 máy bơm các loại sẵn sàng vận hành khi mực nước các sông xuống thấp… “Đề phòng tình huống mực nước sông Hồng không đạt cao trình đưa nước vào sông Nhuệ qua cống Liên Mạc, công ty đã phối hợp Công ty Thủy lợi tỉnh Hà Nam vận hành hệ thống Tắc Giang - Phủ Lý lấy nước sông Hồng tiếp nước cho sông Duy Tiên và sông Nhuệ…”, ông Vũ Mạnh Hùng thông tin thêm.
Đặc biệt, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội chủ động bố trí kinh phí sửa chữa Trạm bơm Ấp Bắc, nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm: Thanh Điềm, Ấp Bắc và Trạm bơm dã chiến Ấp Bắc… Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy chủ động huy động kinh phí nạo vét bể hút, sửa chữa máy móc, nối ống lấy nước Trạm bơm dã chiến Bá Giang, đắp đập dâng nước sông Đáy - đoạn xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ)…
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp thủy lợi là nhiều địa phương chưa thu hoạch xong vụ đông, nhu cầu lấy nước làm đất cấy trà xuân sớm chưa cao…
Để sử dụng hiệu quả nguồn nước hồ thủy điện ngay từ đợt điều tiết đầu tiên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, vận hành tối đa công trình ngay khi mực nước sông cho phép để thau rửa hệ thống và bơm trữ nước vào kênh tiêu, ao, hồ, đầm, vùng trũng, đưa nước lên ruộng phục vụ nông dân làm đất, gieo cấy. Các doanh nghiệp thủy lợi tăng cường kiểm tra, kịp thời gia cố bờ vùng, bờ thửa, tránh rò rỉ, thất thoát, lãng phí nước; ưu tiên cấp nước cho vùng dự báo khó khăn về nguồn nước thuộc địa bàn các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì và thị xã Sơn Tây…
Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ đông để kịp thời đổ ải, tạo mặt bằng trữ nước; thực hiện phương châm “đưa nước đến đâu, làm đất và giữ nước đến đó”…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và tích cực chủ động của các doanh nghiệp thủy lợi, Hà Nội đang phấn đấu cấp đủ nước cho khoảng 30-35% diện tích gieo cấy lúa xuân trong đợt đầu tiên điều tiết nước hồ thủy điện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.