(HNM) - Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, với lượng mưa trên 50mm, tại 12 quận nội thành có thể xảy ra 16 điểm ngập. Mùa mưa đã đến và đâu là giải pháp xử lý những điểm ngập úng, bảo đảm giao thông, sinh hoạt của người dân?
- Ông có thể cho biết mùa mưa năm nay, Hà Nội còn bao nhiêu điểm ngập?
- Với các trận mưa nhỏ hơn 50mm/2 giờ, cơ bản trên địa bàn thành phố chỉ tồn tại một số điểm ứ đọng nước do đường trũng. Tuy nhiên, nếu lượng mưa lớn từ 50mm đến 100mm/2 giờ, trên địa bàn 12 quận nội thành có khoảng 16 điểm ngập, trong đó có những điểm đã tồn tại nhiều năm như ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, phố Đội Cấn, Liễu Giai, đường Trường Chinh, Giải Phóng…
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét các kênh mương, bảo đảm thoát nước mùa mưa. Ảnh: Thành An |
- So với năm 2015, số điểm ngập tăng hay giảm, thưa ông?
- Hết năm 2015, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các ban quản lý dự án của thành phố đã hoàn thành nhiều hạng mục dự án thoát nước, góp phần giải quyết 13 điểm úng ngập cục bộ, như tại ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, phố Thợ Nhuộm, Vĩnh Hưng, Định Công, ngã tư Quan Nhân - Vũ Trọng Phụng, phố Đức Giang, đường gom Vành đai 3 đoạn Tam Trinh…
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các dự án thoát nước được triển khai thời gian qua?
- Việc hoàn thành các hạng mục dự án hạ tầng thoát nước đã góp phần giảm điểm ngập cho thành phố. Đánh giá chung, những khu vực đã được cải tạo hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, theo dự án thoát nước giai đoạn 2, có thể đáp ứng tiêu thoát khi có mưa 310mm/2 ngày. Việc đưa vào vận hành thêm trạm bơm, hồ điều hòa, các nguồn tiêu,… đã góp phần khai thác tối đa năng lực của hệ thống, năng lực điều hòa nước, cùng giàn thiết bị cơ giới Công ty Thoát nước đang quản lý, vận hành, giúp giảm thời gian ngập. Song cũng cần lưu ý đặc điểm thời tiết diễn biến bất thường. Lượng mưa trung bình năm và lượng mưa trong tháng cao điểm mùa mưa có xu hướng tăng 5 - 10%/năm. Lượng mưa không đồng đều, có những điểm tập trung rất cao, ví dụ trận mưa đêm 21 sáng 22-9-2015, lượng mưa đo được tại Vân Hồ lên tới 171mm, Hoàn Kiếm 122mm, Yên Sở 163mm… dẫn đến quá tải hệ thống thoát nước. Ngoài ra, vẫn còn phổ biến tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng ga thu, gây ách tắc, giảm khả năng tiêu thoát nước. Mặt khác, nhiều hộ dân sử dụng tôn, gỗ… bịt các miệng ga thu, khi mưa trở thành vật cản, không được tháo dỡ kịp thời cũng gây ra úng ngập.
- Đối với các điểm đã xác định ngập khi mưa, Công ty Thoát nước có giải pháp gì?
- Công ty đã xây dựng kế hoạch ứng trực cụ thể, chi tiết cho từng vị trí, từng khu vực, với phương tiện, thiết bị, nhân lực sẵn sàng triển khai tại hiện trường khi mưa lớn. Trong đó, các điểm ngập trên trục giao thông chính, đường phố có mật độ giao thông cao, dễ gây ùn tắc giao thông, được xác định là trọng điểm tập trung xử lý. Ngoài việc vận hành các trạm bơm đầu mối, Công ty sử dụng xe hút, đặt các tổ bơm di động tăng khả năng thoát nước cho khu vực trũng như: Thụy Khuê, Phạm Văn Đồng, Núi Trúc, Trường Chinh, Phan Bội Châu… Vận hành các cửa đập điều tiết, khai thác khả năng điều hòa nước của các hồ như: Hồ Tây, hồ Đống Đa; hồ Thiền Quang; hồ Bảy Mẫu... để tăng năng lực thoát nước cho hệ thống, phấn đấu sau khi hết mưa từ 30 phút đến 90 phút thì rút hết nước, bảo đảm giao thông bình thường. Tuy nhiên, giải pháp duy trì, ứng trực chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài các khu vực này cần đầu tư hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Về phía Công ty, đến 15-4, đã hoàn tất bảo dưỡng trạm bơm, thiết bị, máy móc. Toàn bộ hệ thống thoát nước đã được duy tu, nạo vét. Theo kế hoạch, các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét sẽ thường xuyên được kiểm tra, nạo vét, bảo đảm thông thoáng dòng chảy, đưa nước nhanh nhất về trạm bơm đầu mối. 100% tuyến mương chính, tuyến cống chính cũng được duy trì bảo đảm mặt cắt, độ dốc thủy lực, mực nước theo quy định. Riêng hệ thống ga thu, cống ngang, mặc dù kinh phí tiết giảm nhiều so với nhu cầu thực tế nhưng Công ty vẫn cố gắng bảo đảm nạo vét ít nhất 1 lần/tháng, các khu vực trọng điểm 2-3 lần /tháng, với sự hỗ trợ của thiết bị cơ giới.
- Trường hợp mưa rất to trên 100mm có phương án xử lý thế nào?
- Trường hợp mưa trên 100mm, Công ty huy động 100% cán bộ, công nhân viên ứng trực; cảnh báo khu vực xảy ra úng ngập bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Trường hợp mực nước Sông Nhuệ tại Thanh Liệt cao hơn 4,5m (căn cứ tình hình úng ngập trong khu vực nội thành) sẽ mở đập Thanh Liệt để đưa nước về Trạm bơm Yên Sở. Vận hành tối đa Trạm bơm Yên Sở để hỗ trợ tiêu nước cho Sông Nhuệ. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở NN&PTNT điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và ngoại thành; đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo vận hành Trạm bơm Yên Lệnh hỗ trợ tiêu Sông Nhuệ.
- Thưa ông, những năm trước có tình trạng dự án thoát nước đang thi công đã cản trở thoát nước, gây úng ngập.
- Công ty Thoát nước đã đề nghị các chủ đầu tư thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các thỏa thuận dẫn dòng trong quá trình thi công; đẩy nhanh tiến độ dự án tại Minh Khai, Liễu Giai...; sớm bàn giao hoặc thanh thải dòng chảy các tuyến cống hóa mương, tuyến cống lớn đã có khả năng thoát nước,… để sớm đưa vào quản lý, vận hành phục vụ tiêu thoát nước đô thị trong mùa mưa năm 2016. Nếu các công việc trên không được thực hiện đúng tiến độ sẽ có khả năng phát sinh các điểm úng ngập mới.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.