(HNMO) - Những công nghệ mới luôn có giá không rẻ, bởi các nhà sản xuất phải chi trả đáng kể cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, cũng như sản xuất linh kiện.
Tuy nhiên, điều đáng ngại nằm ở chỗ một nghiên cứu mới do Deloitte tiến hành trên 35.000 cá nhân ở 20 quốc gia cho thấy, mặc dù người tiêu dùng rất hứng thú với các công nghệ mới trên ô tô nhưng không mấy ai sẵn sàng chi tiền để sở hữu chúng.
Cụ thể, hơn 71% người được hỏi cho biết sẽ không chi hơn 500 USD cho các tính năng an toàn thế hệ mới nhất trên ô tô. Tỷ lệ này lên tới 79% đối với câu hỏi liên quan tới công nghệ kết nối. Thậm chí, tại quê hương của ô tô là Đức, có tới 84% người dùng khẳng định sẽ không chi khoản tiền chỉ nửa giá của chiếc iPhone đời mới nhất cho các tính năng như vậy trên ô tô của họ.
“Dễ tính” hơn, 60% người Mỹ được hỏi cho biết sẽ chỉ mua các tính năng an toàn nếu giá của chúng dưới 500 USD. Tuy nhiên, 79% người dân tại thị trường ô tô số một thế giới này cho biết sẽ không chi nhiều đến vậy cho những món mới trên hệ thống thông tin giải trí.
Nghiên cứu của Deloitte cũng hướng tới phân tích quan điểm của người dùng về xe ô tô kết nối, với câu hỏi chính nhằm vào việc liệu mỗi cá nhân có cảm nhận được ích lợi của các công nghệ nhóm này đem lại hay không. Điều thú vị là trong khi có tới 80% người được hỏi tại Ấn Độ khẳng định tin tưởng vào lợi ích của các công nghệ nói trên, tới 64% người dân Đức cho biết họ… không quan tâm cho lắm.
Đáng chú ý, nhiều người dùng e ngại các công nghệ hiện đại có thể thu thập dữ liệu cá nhân, dẫn tới những vi phạm về quyền riêng tư. Tại Ấn Độ, 69% người được hỏi cho biết có lo ngại về việc các dữ liệu sinh trắc học (như vân tay, khuôn mặt, võng mạc…) có thể bị các thiết bị trên xe ghi nhận. Tại Trung Quốc, 40% người được hỏi tin rằng việc thu thập dữ liệu sinh trắc học có thể trở thành điều đáng ngại. Trong khi đó, 41% người được hỏi tại Mỹ cho biết họ không lo lắng gì cả.
Ở nhiều quốc gia, người dùng có xu hướng tin tưởng các nhà sản xuất hơn là chính phủ đối với câu hỏi về khả năng quản lý các dữ liệu đã thu thập. Có 28% người Đức cho biết họ sẵn sàng để các nhà sản xuất quản lý thông tin của mình, cao hơn nhiều so với chính phủ (8%). Tỷ lệ này cũng tái diễn ở Mỹ, tương ứng 26% và 5%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.