Kinh tế

Sản phẩm “xanh, sạch” dần lên ngôi

Thanh Hiền 06/08/2023 - 08:01

Xu hướng chọn mua các sản phẩm có yếu tố thân thiện với môi trường, sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có yếu tố “bền vững”… đang là những thay đổi tích cực của xu hướng tiêu dùng được nhiều doanh nghiệp nắm bắt.

Theo xu hướng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau tạo thành phong trào sản xuất các sản phẩm hữu cơ và phát triển rộng khắp cả nước.

st.jpg
Khách hàng chọn mua sản phẩm ống hút, túi sinh học thân thiện với môi trường tại Lotte Mart (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm

Ưu tiên mua sản phẩm sạch dù đắt hơn

Khảo sát của Viện Nghiên cứu giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value - IBV) vào năm 2021 đối với 14.000 người đến từ 9 quốc gia cho thấy, 90% người được khảo sát có động thái quay lưng, “hạn chế” sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng lãng phí tài nguyên hoặc sản phẩm có các tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng.

Chị Lê Mai Lan (trú tại ngõ 24 phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy) cho biết, từ khi quan tâm tìm hiểu sâu hơn quá trình làm ra sản phẩm organic là trên cơ sở không tổn hại đến môi trường, thì đây trở thành một ưu tiên của chị khi mua sắm, cho dù sản phẩm này có giá đắt hơn. Đó cũng là cách ủng hộ cho các sản phẩm, doanh nghiệp làm thêm nhiều sản phẩm tốt cho môi trường chung.

Tương tự, nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5% đến 11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.

Đơn cử trong ngành sữa, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã nhanh chóng đầu tư, chuyển dịch sản xuất, cung ứng hàng hóa theo tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm. Giám đốc điều hành Marketing của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) Nguyễn Quang Trí chia sẻ, ra mắt thị trường ngay trong đỉnh dịch Covid-19 năm 2021, nhưng sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm vẫn nhận được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần, khi mà thế hệ trẻ vốn có mức độ quan tâm cao về các vấn đề phát triển bền vững sẽ tham gia vào lực lượng tiêu dùng chính.

Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, Hà Nội tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện - điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.

Tại diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” do Bộ Công Thương phối hợp với Đài Truyền hình VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức mới đây, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia Lê Triệu Dũng cho biết, sản xuất và tiêu dùng bền vững là xu hướng thiết thực và bắt buộc đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội. Trong quá trình này, doanh nghiệp và người tiêu dùng là hai chủ thể có vai trò quan trọng và có sự tương tác qua lại chặt chẽ với nhau.

Khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cho thấy, người dân nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, sự chỉ đạo của các bộ, ban, ngành và sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy “tiêu dùng xanh”, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái, 3R (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế). Tuy nhiên, phần lớn mới chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.

Thời gian qua, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2023, trong đó bổ sung quy định, chính sách về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm “xanh, sạch” dần lên ngôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.