Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản phẩm OCOP: Nâng cao giá trị nông sản Thủ đô

Nguyễn Mai| 11/11/2022 06:30

(HNM) - Trong số 1.649 sản phẩm được chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thì chiếm tới 65% là các loại thực phẩm. Tham gia Chương trình này, các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Thủ đô có thêm cơ hội để chuẩn hóa sản phẩm, xây dựng kênh phân phối, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa nông sản Thủ đô.

Trứng gà của xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ) đã được công nhận là sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội.

Chuẩn hóa sản phẩm

Mô hình chăn nuôi gà lấy trứng của hộ kinh doanh Lê Văn Cường, thôn Phượng Nghĩa (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) có quy mô 5.000m2, hoạt động theo tiêu chuẩn VietGAP. Gà đẻ trứng được chăm sóc hoàn toàn theo phương pháp sinh học, được uống rượu tỏi 2 lần mỗi tuần để phòng bệnh, tăng sức đề kháng, nhất là khi thời tiết thay đổi, giao mùa. Tham gia Chương trình OCOP năm 2020, sản phẩm trứng mang nhãn hiệu: “Trứng gà sạch Cường Hương” của gia đình anh Lê Văn Cường đã được thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao.

Trong khi đó, trang trại chăn nuôi vịt và cá của anh Lê Văn Trẻo tại xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) có quy mô 10ha sản xuất theo mô hình khép kín, từ việc lắp đặt hệ thống máy sục oxy, máy trộn thức ăn, sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại, môi trường ao nuôi. Không sử dụng kháng sinh, đàn vịt được tiêm phòng theo quy định, khẩu phần ăn còn được trộn thêm men vi sinh giúp nâng cao chất lượng trứng vịt. Từ việc ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi, mỗi năm trang trại bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng và gần 100 tấn cá các loại, thu lãi hơn 700 triệu đồng. Sản phẩm “Trứng vịt Liên Châu” của gia đình anh Lê Văn Trẻo được thành phố Hà Nội chứng nhận OCOP 3 sao.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, hỗ trợ phát triển các sản phẩm là đặc trưng, thế mạnh, đặc sản của các địa phương đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển bền vững. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Chương trình OCOP đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể trong tổ chức sản xuất, quảng bá, phát triển thị trường, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm... Tham gia vào OCOP, các chủ thể được thành phố hỗ trợ thiết kế, in tem nhãn bao bì mới hiện đại, có tính thẩm mỹ và hướng dẫn sắp xếp, hoàn thiện hồ sơ chứng minh chất lượng sản phẩm...

Mở rộng thị trường

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến hết năm 2021, thành phố đã có 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, sản phẩm OCOP ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, chiếm 65%, là những sản phẩm có chất lượng cao, giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP qua các vòng thi. Thành phố phấn đấu trong năm 2022 sẽ có thêm hơn 400 sản phẩm được đánh giá, công nhận OCOP.

Chương Mỹ là huyện có sản phẩm OCOP dự thi nhiều nhất thành phố năm 2022 với 50 sản phẩm. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, huyện Chương Mỹ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP với nhiều giải pháp như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị, qua đó nêu bật vai trò của Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao... Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, trên địa bàn huyện đã có 3 cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP đặt tại thị trấn Chúc Sơn, Xuân Mai và khu vực chợ Đông Phương Yên. Người dân có thể mua bán các loại nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện Chương Mỹ nói riêng và của thành phố Hà Nội nói chung.

Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm đã tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng nên lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Hiện tại, trang trại gà đẻ trứng của anh Lê Văn Cường (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 18.000 quả trứng, việc phân phối đang được mở rộng ra các siêu thị, bếp ăn tập thể. Không chỉ bán trứng gà tươi, anh Lê Văn Cường còn nghiên cứu làm ra các sản phẩm trứng muối, trứng ngâm mật ong để nâng cao giá trị sản phẩm.

Để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, thành phố và các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, tuần hàng; đồng thời hỗ trợ giới thiệu, liên kết với hoạt động du lịch trong và ngoài thành phố. Đồng hành với các chủ thể trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thành phố Hà Nội đã phát triển 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn 26 quận, huyện, thị xã để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng và du khách khi đến Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm OCOP: Nâng cao giá trị nông sản Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.