Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản phẩm làm đẹp, thuốc trị bệnh trôi nổi: Khó quản lý vì còn nhiều kẽ hở

Thu Trang| 24/06/2019 07:58

(HNM) - Các sản phẩm làm đẹp, giảm cân, thậm chí thuốc chữa bệnh được rao bán tràn lan trên mạng xã hội Facebook, Zalo, YouTube… Dù không có giấy phép sản xuất hay nhập khẩu, không có chứng nhận về chất lượng…, nhưng những sản phẩm này vẫn được quảng cáo “thổi phồng” như “thần dược”.

Lực lượng chức năng thu giữ hàng mỹ phẩm nhập lậu, kém chất lượng tại quận Hà Đông.


Nguy hiểm khó lường

Từ ngày 15-12-2018 đến 15-4-2019, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn kiểm tra, thanh tra về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, qua đó xử phạt 26 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không nhãn mác, nguồn gốc trong lĩnh vực này ngày càng phức tạp, tinh vi. Các nhà sản xuất, phân phối thường tạo ra những trang web giả mạo để quảng bá hoặc chỉnh sửa, cắt ghép, tạo hình ảnh các cơ quan chức năng đến làm việc, cấp phép để tăng thêm niềm tin. Hay để chiếm được lòng tin của khách hàng, nhiều sản phẩm còn được gắn thêm mác “gia truyền” với các thương hiệu: Bà Hòe, bà Dung, bà Vân, bà Bục, bà Đại…

Xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, sản phẩm "kem đông y đa năng bà Vân" được giới thiệu như là “thần dược”, chữa tận gốc các bệnh như: Dị ứng, mụn trứng cá, zona thần kinh, vẩy nến, á sừng… Thế nhưng, khi Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) kiểm tra đột xuất một điểm kinh doanh ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai đã phát hiện 29 lọ "kem đông y đa năng bà Vân" không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh rất tinh vi, người mua khó tiếp cận được địa điểm bán hàng. Nếu có ý muốn tiếp cận, người bán cũng sẽ từ chối. Việc tư vấn, bán hàng đều qua mạng, khi người mua có nhu cầu, người bán sẽ chuyển hàng qua bưu điện hoặc thuê người chuyển đến.

Tương tự, tình trạng quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay thuốc, mỹ phẩm trên mạng xã hội, tư vấn cho khách hàng qua điện thoại, chat online… cũng đang diễn ra rầm rộ. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bản thân ông đã từng nhận được điện thoại quảng cáo, tư vấn về hiệu quả và mời mua "sản phẩm giảm cân bà Dung", dù trước đó, sản phẩm này đã bị Bộ Y tế ra quyết định thu hồi giấy phép lưu hành. Hay như với sản phẩm "giảm cân bà Vần" ở làng Mô (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) còn được giả mạo giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm…

Việc sử dụng các sản phẩm làm đẹp, giảm cân, các loại thuốc đông y bán trôi nổi trên thị trường là vô cùng nguy hiểm. Mới đây, Bệnh viện Da liễu trung ương tiếp nhận một nữ bệnh nhân (24 tuổi) nhập viện trong tình trạng từng lớp vẩy sần sùi, bám kín mặt. Theo bệnh nhân này, vì muốn có một làn da trắng nên đã tìm mua và sử dụng bộ sản phẩm gồm cả thuốc uống và thuốc bôi bán trôi nổi trên thị trường.

Tuy nhiên, sau một năm sử dụng, da mặt của bệnh nhân ngày càng xuất hiện nhiều vẩy sần sùi… Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, đây chỉ là một trường hợp điển hình trong số rất nhiều trường hợp đến khám tại bệnh viện do viêm da tiếp xúc với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc...

Tăng cường phối hợp

Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã dần tiếp cận với thương mại điện tử, thông qua việc thành lập các website để quảng cáo, bán hàng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, nhưng không ít đối tượng đã lợi dụng để rao bán, quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc... giả, kém chất lượng.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, việc quản lý các trang điện tử này không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, nên Cục An toàn thực phẩm chỉ có thể đôn đốc, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu các doanh nghiệp, website quảng cáo sản phẩm sai phạm phải gỡ bỏ nội dung quảng cáo không đúng, còn việc họ có thực hiện hay không lại là chuyện khác…

Nhiều sản phẩm làm đẹp, giảm cân được rao bán tràn lan trên mạng xã hội không có chứng nhận về chất lượng.


Tại cuộc họp về đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc do Bộ Y tế vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, một số quy định có phát sinh kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng.

Chẳng hạn, tình trạng quảng cáo trên các trang mạng xã hội như: YouTube, Facebook, Zalo, trang thông tin điện tử..., cơ quan chức năng không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý. Thậm chí, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả thường thực hiện tại các địa điểm không đăng ký, gây khó khăn đối với hoạt động thanh tra…

Để tăng hiệu quả quản lý, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thời gian qua ngành Y tế đã phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường, chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra. Riêng với Bộ Y tế, thời gian tới sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại một số cơ sở trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, với thực phẩm chức năng, dược liệu y học cổ truyền, Bộ Y tế sẽ tập trung hậu kiểm về quảng cáo các sản phẩm này trên internet, mạng xã hội, kịp thời kiến nghị cơ quan liên quan phối hợp xử lý và thông tin rộng rãi đến người dân; đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý dược liệu nhập lậu qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm làm đẹp, thuốc trị bệnh trôi nổi: Khó quản lý vì còn nhiều kẽ hở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.