Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu giảm mạnh

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 13/12/2022 10:06

(HNMO) - Linh kiện thiếu hụt, lượng tồn kho lớn, nhu cầu thị trường không như mong đợi… tạo nhiều áp lực khiến hoạt động sản xuất của hầu hết các hãng điện thoại thông minh đình trệ trong giai đoạn hiện nay.

Hoạt động sản xuất điện thoại thông minh đang đối mặt nhiều khó khăn cả về nhu cầu thị trường và chuỗi cung ứng.

Số liệu của TrendForce mới công bố cho thấy, có 289 triệu điện thoại thông minh đã xuất xưởng trong quý III-2022, giảm nhẹ 0,9% so với quý trước đó, nhưng giảm mạnh 11% so với cùng kỳ năm 2021 - thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. 

Theo giới chuyên môn, nguyên nhân chính dẫn tới sản lượng suy giảm là những diễn biến phức tạp về kinh tế và chính trị trên toàn cầu. Hệ quả là, lần đầu tiên “truyền thống” doanh số điện thoại thông minh tăng trưởng mạnh trong quý III hằng năm đã bị phá vỡ. 

Cùng với đó, những dự báo không mấy lạc quan về tình hình kinh tế thế giới buộc nhiều nhà sản xuất phải tìm cách ứng phó sớm thông qua các biện pháp cắt giảm. Trong quý cuối năm, các thống kê ban đầu cho thấy, tổng sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu chỉ đạt 316 triệu máy. Đây sẽ là quý thứ 6 liên tiếp, sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu giảm so với cùng kỳ năm trước đó. 

Trước khó khăn, nỗ lực ứng phó của từng nhà sản xuất có khác biệt. Mặc dù duy trì được doanh số tổng thể tốt so với mặt bằng chung trong quý III-2022, Samsung vẫn chủ động hạn chế sản lượng, chỉ xuất xưởng khoảng 64,2 triệu máy, giảm 3,9% so với quý trước đó. Hiện, hãng điện tử Hàn Quốc cũng đang theo đuổi mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu phân khúc điện thoại gấp với 90% thị phần. Năm 2022, điện thoại gấp được cho là sẽ chiếm khoảng 1,1% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu, với nhiều dự báo lạc quan con số này có thể tăng lên 1,5% trong năm 2023. 

Trong khi đó, sản lượng Apple tăng trưởng ổn định, xuất xưởng khoảng 50,8 triệu iPhone trong quý vừa qua. Doanh số tốt là động lực để hãng công nghệ Mỹ thúc đẩy sản lượng trong quý III và IV. Tuy nhiên, nỗ lực này vấp khó khăn khi nhà máy của Foxconn tại Trịnh Châu (Trung Quốc) bị phong tỏa để chống dịch Covid-19. Diễn biến này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng iPhone, bởi đây là nhà máy chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp các mẫu cao cấp Pro, phiên bản được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa khi thế hệ iPhone 14 ra mắt.  

Ba cái tên còn lại trong nhóm 5 nhà sản xuất đóng góp nhiều nhất vào sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu hiện nay đều đến từ Trung Quốc, lần lượt là Xiaomi, OPPO và Vivo. Trong đó, Xiaomi - gồm các thương hiệu con như Redmi, POCO, Black Shark - là nhà sản xuất duy nhất có mức sản lượng được duy trì ổn định, trong khi số máy xuất xưởng của cả OPPO - bao gồm Realme và OnePlus, và Vivo - bao gồm cả iQoo, đều suy giảm mạnh. 

Nguyên nhân chính nằm ở khó khăn trong hoạt động bán hàng, không chỉ do các biện pháp phòng, chống dịch gắt gao ngay tại quê nhà mà còn bởi thực trạng kinh tế suy giảm ở một số thị trường chính, đặc biệt là Ấn Độ. Trong quý cuối năm, cả ba nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc được dự báo sẽ không có đột phá về sản lượng, và sẽ phải tìm cách khai phá các thị trường hải ngoại mới nếu muốn đạt tăng trưởng trong năm 2023. 

Cũng theo giới phân tích, một trong những thách thức lớn mà các thương hiệu của quốc gia đông dân nhất thế giới phải vượt qua để mở rộng sản xuất, gia tăng lợi nhuận và có được tập khách hàng trung thành lớn là phải sở hữu được nền tảng phần cứng xử lý riêng. Hiện, Xiaomi đã bắt đầu phát triển bộ xử lý Pengpai S1, bộ xử lý hình ảnh Pengpai C1 và chip sạc nhanh 120W Pengpai P1; trong khi Vivo đã có các giải pháp V1 và V2, chú trọng xử lý hình ảnh chụp trên điện thoại thông minh. Tương tự, OPPO đã giới thiệu nền tảng MariSilicon X của riêng mình, với lịch trình làng trong năm 2024. 

Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc sẽ nỗ lực tung ra nền tảng xử lý phần cứng riêng trong năm 2023 và 2024.

Bên cạnh các nỗ lực ứng phó khó khăn nêu trên, một số ý kiến cũng cho rằng, các nhà sản xuất điện thoại thông minh còn phải sẵn sàng những biện pháp ứng phó các diễn biến thị trường mới. Đơn cử là, kết quả kinh doanh trong tuần lễ mua sắm cao điểm cuối năm vừa qua cho thấy, việc giảm giá sản phẩm không còn là biện pháp hiệu quả để thuyết phục người tiêu dùng ra quyết định mua sắm, ngay cả trong bối cảnh kinh tế kém thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu giảm mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.