Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu vẫn tồn tại, nhưng...

Người Lái Đò| 18/07/2010 07:40

(HNM) - Liên hoan sân khấu chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8-8-2010 tại nhiều địa điểm khác nhau ở Thủ đô. 12 vở diễn ở các thể loại: kịch nói, tuồng, chèo, cải lương cũng đã được lựa chọn và theo Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì đó là những vở diễn đã đứng được. Thế nhưng khán giả Hà Nội có hào hứng đón nhận hay không thì phải chờ...

Không phải bây giờ khán giả Hà Nội nói riêng và phía Bắc nói chung thờ ơ với sân khấu, mà thực trạng này diễn ra từ nhiều năm nay. Sân khấu thu hút khán giả ở yếu tố mới và lạ về hình thức cũng như nội dung. Nhưng các vở diễn ra mắt những năm gần đây cho thấy rất hiếm hai yếu tố này. Mặt khác, sân khấu nhiều năm qua không có tính dự báo, không phản ánh được những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, giãi bày khát vọng, niềm tin, nỗi đau cũng như những nhân tố tích cực đang hiện diện trong đời sống. Sân khấu lấy diễn viên là trung tâm, thế nhưng hiếm hoi diễn viên thành danh nhờ sân khấu như các lớp nghệ sĩ đi trước. Không ít diễn viên gây dựng được danh tiếng lại nhờ phim và các show giải trí trên truyền hình.

Những yêu cầu của đời sống mà sân khấu chưa đáp ứng được là hệ quả của sự thiếu hụt về đội ngũ sáng tạo, nói một cách chính xác hơn là sân khấu đang khủng hoảng tổng thể lực lượng sáng tạo, đặc biệt là kịch hát. Với tác giả kịch nói, quanh đi quanh lại cũng chỉ có vài người, hiếm thấy những cái tên mới xuất hiện. Với kịch hát còn bi đát hơn, tính đến thời điểm này, khó mà tìm ra tác giả trẻ viết kịch bản tuồng hay chèo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu cho rằng, cơ quan quản lý thiếu một tầm nhìn chiến lược cho đào tạo đội ngũ sáng tác và làm cho vấn đề đó thêm trầm trọng bởi sự lệch pha giữa đào tạo và thực tế. Thậm chí tách rời nhau, ngoảnh lưng với nhau. Không chỉ đào tạo ngoảnh lưng với đời sống sân khấu mà người sáng tạo cũng không cần quan tâm đến những ý kiến của nhà phê bình...

Nhà lý luận phê bình sân khấu Hồ Ngọc cho rằng, sân khấu muốn thu hút khán giả cần phải thay đổi toàn diện, từ nhận thức lại vai trò của sân khấu đến cơ chế tài chính, duyệt vở... Ý kiến của một người có 50 năm nghiên cứu sân khấu hoàn toàn có cơ sở. Nếu không giải quyết triệt để các vấn đề đó thì sân khấu vẫn tồn tại, nhưng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu vẫn tồn tại, nhưng...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.