Văn nghệ

Sân khấu Hà Nội nhộn nhịp vào xuân

Mai Đình 14/02/2025 - 08:31

Cùng với sự nhộn nhịp của sân khấu miền Nam với nhiều vở diễn mới biểu diễn phục vụ công chúng từ trước và trong dịp Tết Nguyên đán, trong những ngày đầu xuân mới Ất Tỵ, các nhà hát và đơn vị nghệ thuật ở Trung ương và Hà Nội có nhiều hoạt động khai xuân, mang đến cho công chúng Thủ đô và các tỉnh lân cận những tác phẩm sân khấu hấp dẫn, nhiều trải nghiệm khó quên.

Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động của những người trẻ, nhằm lan tỏa những giá trị tinh thần của nghệ thuật truyền thống, khởi động cho một năm mới an lành.

san-2.jpg
Nghệ sĩ tương tác với khán giả sau khi xem vở diễn "Thị Mầu xuyên không". Ảnh: Thúy Đinh

Rộn ràng khai xuân

Nhà hát Chèo Việt Nam khai xuân với vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ” từ tối 3-2 tại rạp Kim Mã. Đây là một trong những tích chèo kinh điển, với câu chuyện về tình bạn, tình yêu xoay quanh ba nhân vật Lưu Bình, Dương Lễ và nàng Châu Long, với những gửi gắm của người xưa về cách đối nhân xử thế, tình bạn, nghĩa vợ chồng, khát vọng vươn lên thay đổi cuộc sống. Thông qua phần diễn xuất của các nhân vật, đặc biệt là ba nghệ sĩ đóng vai chính: NSƯT Tuấn Tài (vai Lưu Bình), NSƯT Bá Dũng (vai Dương Lễ), NSƯT Kim Liên (vợ Dương Lễ), vở diễn đã “chạm” đến người xem bởi sự hóa thân vào các nhân vật cũng như góp phần lan tỏa những thông điệp nhân văn của nghệ thuật chèo.

Không chỉ sáng đèn tại địa điểm quen thuộc là rạp Kim Mã, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam đã “ra quân” đi về các tỉnh lân cận biểu diễn, phục vụ nhu cầu tinh thần của công chúng tại các địa phương, đặc biệt trong các chương trình lễ hội đầu năm mới. Cùng với đó, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam tham gia các chương trình lễ hội tôn vinh các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng mang đến công chúng các vở diễn đề tài dân gian, lịch sử như “Mặt trời đêm thế kỷ”, “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, “Cung phi Điểm Bích”... cùng chương trình nghệ thuật và các trích đoạn biểu diễn tại Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Bắc Ninh, Thái Nguyên và nhiều địa phương khác.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt công chúng chương trình nghệ thuật “Chào xuân Ất Tỵ 2025” tại Rạp xiếc Trung ương, biểu diễn từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán đến nay. Trong không gian nghệ thuật với ánh sáng lung linh sắc màu, các nghệ sĩ đã mang đến công chúng các tiết mục múa lân sư rồng, xiếc bay lượn mạo hiểm, không dây bảo hộ, xiếc thú... không chỉ chinh phục khán giả nhỏ tuổi mà còn thu hút công chúng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã biểu diễn các tiết mục trình diễn sinh động kết hợp giữa múa rối nước, rối cạn và âm nhạc truyền thống tại Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, vào ngày 4-2 (tức mùng 7 Tết) thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham dự.

Lan tỏa nghệ thuật truyền thống

Tại Hà Nội, không khí biểu diễn của sân khấu nghệ thuật truyền thống cũng sôi động hơn với sự tham gia của nhiều người trẻ. Từ ngày 7-2, Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể phối hợp cùng Ban quản lý đền Quán Thánh tổ chức show “Xẩm xuân” - như một khởi đầu đầy ý nghĩa cho năm mới 2025.

Mượn chất liệu của nghệ thuật hát xẩm để gửi gắm những thông điệp về mùa xuân, tuổi trẻ, nhóm Xẩm 48h phối hợp với các đơn vị, tổ chức sinh viên cũng như các cá nhân kiều bào Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài thực hiện dự án "Xẩm xuân, Tuổi trẻ và Đất nước". Anh Phạm Văn Trình, thành viên Câu lạc bộ Xẩm 48h, người kết nối và làm việc trực tiếp với Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga để tổ chức dự án cho biết: “Những người trẻ với tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống mong muốn đây là cơ hội để lan tỏa rộng rãi hơn nữa tình yêu quê hương đất nước. Chúng tôi thực hiện dự án này với mong muốn gìn giữ và khẳng định bản sắc dân tộc, tiếp thêm động lực và ý chí của tuổi trẻ cùng nhau kiến tạo, xây dựng quê hương, hướng tới một kỷ nguyên Vươn mình - Phát triển - Giàu mạnh”. Được biết, dự án “Xẩm xuân, Tuổi trẻ và Đất nước” sẽ kéo dài đến ngày 26-3, kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Cùng với hoạt động của các câu lạc bộ yêu thích nghệ thuật sân khấu truyền thống, các chương trình sân khấu học đường cũng được khởi động ngay từ những ngày đầu năm 2025 với nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu cái hay, cái đẹp trong những tác phẩm, trích đoạn sân khấu. Dự án “Thị Mầu xuyên không”, sản phẩm kết hợp giữa Nhà hát Chèo Việt Nam và Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể sẽ khởi động các chương trình sân khấu học đường từ tháng 3 tới. Ngoài vở diễn với thời lượng ngắn gọn, chỉ với 60 phút, “Thị Mầu xuyên không” còn có các phần tương tác, tìm hiểu nghệ thuật truyền thống, giao lưu với các nghệ sĩ, diễn viên, mang đến không khí thưởng thức và cảm nhận nghệ thuật truyền thống một cách tự nhiên, dung dị với các em học sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu Hà Nội nhộn nhịp vào xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.