(HNM) - Qua 6 năm phát động phong trào
Một gian hàng trưng bày sản phẩm sáng tạo tại festival. |
Quảng bá trí tuệ tuổi trẻ
Từ ngày 16 đến 18-12, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô Hà Nội diễn ra triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7 với 109 đề tài, sản phẩm sáng tạo của TTN tiêu biểu Việt Nam và 10 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đoàn Việt Nam ngoài 80 đề tài, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo được tuyên dương, còn có thêm nhiều mô hình, giải pháp, sáng kiến đoạt giải Festival Sáng tạo trẻ của các tỉnh, thành đoàn tham dự triển lãm.
Trong số các gian hàng tham gia trưng bày, thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan và mang ý nghĩa sâu sắc đối với Cuộc vận động (CVĐ) "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", là mô hình "Tổng đài kể chuyện về Bác Hồ" của Đoàn Thanh niên Sở Bưu chính - Viễn thông TP Hồ Chí Minh. Tính đặc biệt của sản phẩm là nhận diện yêu cầu bằng giọng nói. Khách hàng chỉ gọi số 08.5445.6122 và thực hiện yêu cầu nghe qua giọng nói của mình bất cứ thông tin nào về Bác như lời dạy của Người; thơ, nhạc, hay những câu chuyện xung quanh cuộc đời, sự nghiệp của Bác.
Anh Lê Quốc Toàn, cán bộ Đoàn chuyên trách Sở Bưu chính - Viễn thông TP Hồ Chí Minh cho biết: Cuối năm 2009, Đoàn Thanh niên đã đề xuất với lãnh đạo Sở triển khai công trình này với mục đích lập kho thông tin, cơ sở dữ liệu về CVĐ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Với âm giọng chuẩn dễ nghe, hệ thống đáp ứng thông tin nhanh nhất và chính xác về Bác. Đặc biệt, mô hình này hỗ trợ cho người khiếm thị tiếp cận và nghe những mẩu chuyện về Bác, tư tưởng, đạo đức của Người.
Để xây dựng dữ liệu, nhóm tác giả đã phải thu âm giọng nói của 10.000 người làm cơ sở dữ liệu mẫu để tổng đài có thể nhận diện chính xác theo yêu cầu, xây dựng bộ nhận dạng bằng tiếng nói Speech to text (từ tiếng nói dịch ra văn bản) và hệ thống tổng đài tương tác thoại (IVR) tích hợp nhận dạng tiếng nói. Sau đó, nhóm thu âm các nội dung thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các câu chuyện về Người, tư tưởng, đức tính và những ca khúc hát về Bác. Qua thực tế chạy thử nghiệm, tổng đài nhận dạng chính xác 92%, đồng thời hoạt động khoảng 30 cuộc gọi cùng lúc, đặc biệt hoạt động tốt nhất ở môi trường im lặng, không có tiếng ồn. "Tới đây, nhóm sẽ nghiên cứu để đồng thời thực hiện từ 100 đến 200 cuộc gọi; cập nhật thêm nhiều dữ liệu về Bác. Đặc biệt, mô hình này có thể mở rộng để tuyên truyền, giáo dục cho giới trẻ về những tấm gương liệt sĩ: Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc…, đồng thời phát triển thêm hệ thống ngôn ngữ dành cho đối tượng nước ngoài", Toàn cho biết thêm.
Tuổi trẻ Thủ đô có 6 đề tài, giải pháp, sản phẩm sáng tạo góp mặt tại triển lãm. Đáng chú ý là đề tài "Bổ trợ kỹ năng quản lý và kinh doanh cho các nhóm trồng rau hữu cơ" tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Phạm Thùy Trang, thành viên của nhóm cho biết: "Rau hữu cơ là loại rau không sử dụng thuốc hóa học, thuốc trừ sâu và các loại thuốc biến đổi gen, nói tóm lại là rau sạch. Thí điểm trồng 6ha ở hợp tác xã thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân, sau 4 tháng, doanh thu đạt 40 triệu đồng". Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm rau sạch, tốt cho sức khỏe, đặc biệt dự án này đoạt giải nhất cuộc thi SIFE (Students In Free Enterprise) toàn quốc 2010.
Nhiều sản phẩm sáng tạo "nhí"
Festival Sáng tạo trẻ lần thứ III-2010 có sự góp mặt của nhiều học sinh THCS và THPT, điều này khẳng định phong trào nghiên cứu khoa học trong khối trường đã lan tỏa sâu rộng. Điển hình là robot phun thuốc trừ sâu của Nguyễn Văn Hòa, lớp 12A3 Trường THPT Hiệp Hòa số 2, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, đoạt giải đặc biệt cuộc thi Sáng tạo TTN nhi đồng toàn quốc lần thứ 6. "Hằng ngày, chứng kiến người dân lao động vất vả, bản thân bố em cũng hay phun thuốc trừ sâu cho cây lúa, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vì thế mà em đã tìm tòi, sáng tạo ra con robot, trước hết là giúp bố, sau đó có thể áp dụng vào sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân", Hòa chia sẻ. Con robot của Hòa sáng chế bằng các đồ phế thải như thước, bút, ống nhựa… kích thước nhỏ gọn (dài 70cm, rộng 40cm, chiều cao 60cm), di chuyển được nhiều địa hình. Người điều khiển có thể tiến, lùi, trái, phải nhờ hệ thống bánh xích di chuyển linh hoạt.
Robot cứu hỏa đa năng của Nguyễn Văn Hưng, lớp 11A3, Trường THPT Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cũng là đề tài hướng tới bảo đảm an toàn cho con người khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm và nâng cao hiệu quả, năng suất trong công tác chữa cháy và tháo gỡ bom mìn, vật liệu nổ. Sản phẩm nặng 4,2kg, chiều dài tối đa 66cm, chiều cao tối đa 49cm, sử dụng nguồn điện 1 chiều 12V và có 4 phần chính là cánh tay, thân, cầu chuyển động và hệ thống điều khiển.
Ý tưởng sáng tạo về mô hình thùng rác thân thiện của học sinh Phạm Hòa Hưng, lớp 8A1, Trường THCS Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cũng được nhiều độc giả chú ý. Bằng các vật dụng như chai nhựa, ống nhựa, Hưng đã sáng tác sản phẩm thùng rác với nhiều ngăn để đựng nước, rác không tái chế, rác kim loại, đựng giấy. Hưng cho biết, nếu áp dụng vào thực tiễn, sản xuất bằng nhựa, kim loại thì thùng rác thân thiện sẽ tiện dụng cho mỗi gia đình; việc lấy rác dễ dàng, sạch qua mỗi ngăn tách rời nhau. Ý tưởng sáng tạo này cũng đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo trẻ tỉnh Đồng Tháp.
Phong trào "Sáng tạo trẻ" đã thực sự đi vào đời sống, trở thành hoạt động thường xuyên của đông đảo TTN trong cả nước, thực hiện tốt phương châm "Mỗi ĐVTN một ý tưởng sáng tạo, mỗi chi đoàn là một hộp thư sáng kiến, mỗi cơ sở đoàn là một vườn ươm sáng tạo".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.