(HNM) - Đến hẹn lại lên, mỗi dịp hè về, nhiều bậc phụ huynh lại cuống quýt lo tìm chỗ học võ, vẽ, nhạc... cho con em mình, xem đó như giải pháp quản lý tốt nhất khi bọn trẻ được nghỉ học, do không có điểm vui chơi tập thể nên nhiều em nhỏ lêu lổng, dễ dẫn đến sa ngã vào tệ nạn hoặc xảy ra những tai nạn thương tích đáng tiếc.
Trẻ em không có chỗ chơi nên phải đá bóng dưới lòng đường, rất nguy hiểm.
Nội thành: Lấy đường phố làm sân chơi
5 giờ chiều, cái nắng giữa mùa hè vẫn rát bỏng, đường nhựa hầm hập hơi nóng, vậy mà khu vực sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã nhộn nhịp với đám thanh, thiếu niên. Bọn trẻ đổ ra quảng trường và những con đường đang được thi công dở, coi đó là sân chơi cuối ngày. Đám thanh niên choai choai bày gạch giữa đường làm cầu môn đá bóng hoặc căng lưới chơi cầu lông, bóng chuyền. Nhiều phụ huynh cũng đưa con ra đây thả diều hoặc đi tản bộ sau một ngày "giam lỏng" chúng ở nhà. Tại khu bể bơi của Cung thể thao dưới nước cũng chật cứng… Đó là quang cảnh của một khu sân chơi chung mỗi khi chiều về.
Vừa "thả" con vào bể bơi, chị Nguyễn Diệu Thúy, ở Khu đô thị Mỹ Đình I than thở: "Cả năm có ba tháng hè là mệt nhất bởi lũ trẻ nghỉ học". Nhà chị Thúy có hai con trai, đứa lớn học lớp 3, đứa bé năm nay vào lớp 1. Khi lũ trẻ chưa nghỉ hè, mỗi sáng chị Thúy cho hai đứa lên lớp, chiều về đón rồi chợ búa, cơm nước, công việc dù bận rộn nhưng không phải lo lắng nhiều. Nhưng dịp hè, lịch trình của chị đảo lộn hoàn toàn. Cứ sáng ra, chị vẫn phải dậy sớm cho bọn trẻ ăn sáng và thêm phần chuẩn bị bữa ăn trưa cho chúng. Sau bữa sáng là hai anh em tự ở nhà trông nhau. Thế là dù đến cơ quan làm việc mà cứ thấp thỏm. Nhiều hôm, chị đành phải tranh thủ tạt về nhà vì lo nhỡ có chuyện gì xảy ra với con.
Còn chị Nguyễn Thúy Hằng ở khu tập thể Trường Cao đẳng Múa, phường Mai Dịch (Cầu Giấy) cũng bức xúc không kém khi ba tháng hè, được nghỉ học nhưng các con không có chỗ nào mà chơi. Hằng tuần chị Hằng phải nhờ ông nội làm xe ôm đưa cả hai chị em đi học thêm. Đứa lớn thì học múa, học đàn, đứa bé thì học bơi và học toán. Thương con sức ép học hành nhiều nhưng để chúng ở nhà sợ con lêu lổng, không quản lý được. Hôm nào rảnh chị lại đưa con ra Mỹ Đình hoặc cho đến Trung tâm Vincom chơi trò chơi hoặc đi chơi Công viên nước Hồ Tây. Nhưng có phải lúc nào cũng có thể cho con đến những khu vui chơi này đâu, bởi ngoài 120.000 đồng vé vào Khu vườn cổ tích của Vincom và 50.000 đồng vé vào Công viên nước thì còn hàng chục thứ trò chơi khác mất tiền. Vị chi mỗi chuyến đi chơi của bọn trẻ cũng tiêu tốn ngót nghét nửa triệu bạc.
"Tiếng là toàn thành phố có đến hơn 2.000 điểm vui chơi nhưng đó là tính cả các điểm vui chơi như nhà văn hóa thôn, phường, xã… thử hỏi những điểm vui chơi đó mấy khi trẻ bén mảng đến" - chị Hằng đánh giá - "Những chỗ chơi được bọn trẻ "duyệt" có thể đếm trên đầu ngón tay như: Công viên nước Hồ Tây, Khu vườn cổ tích Vincom, Công viên Thủ lệ, Quảng trường Mỹ Đình và một vài khu trò chơi cho trẻ nhỏ của tư nhân. Còn một số điểm vui chơi khác như Công viên Tuổi trẻ, Công viên Thống nhất hay Thủ Lệ thì cũng chỉ loanh quanh với mấy trò chơi đã có hàng chục năm nay như nhà hơi, nhà bóng, đu quay… Chính vì thiếu sân chơi cho thanh niên và trẻ vị thành niên, khiến chúng tìm đến games, chat, cờ bạc, tụ tập lêu lổng ngoài đường hoặc dễ sa vào những tệ nạn xã hội khác".
Theo báo cáo, với tổng số 2.184 điểm vui chơi dành cho trẻ em, Hà Nội hiện được coi là địa phương có nhiều điểm vui chơi nhất trong cả nước. Số liệu báo cáo là thế, nhưng trên thực tế, có đến gần một nửa số điểm đã cũ kỹ nay vẫn chưa được đầu tư, cải tạo; nhiều điểm còn bị người lớn chiếm dụng, kinh doanh sai mục đích. Ở các khu đô thị mới, khu chung cư, tập thể khi xây đều có thiết kế không gian, khuôn viên vui chơi cho trẻ, nhưng khi triển khai dự án, đa số chủ đầu tư đều tìm mọi cách ăn bớt, số còn lại có dành đất để làm sân chơi, nhưng lại bị chiếm dụng để kinh doanh trông giữ xe, bán hàng ăn, giải khát... Vậy là những "khoảng trống" hiếm hoi còn lại như vỉa hè, dải phân cách giao thông, bãi cỏ công cộng, thậm chí là... lòng đường đành được tận dụng làm nơi vui chơi cho trẻ.
Ngoại ô: Tai nạn rình rập
Nội thành thiếu sân chơi cho trẻ, ngoại thành tình cảnh còn tồi tệ hơn. Chị Đặng Minh Huyền, phụ huynh cháu Vũ Quốc Đạt (huyện Đan Phượng) cho biết: "Từ ngày nghỉ hè, con chị chỉ quanh quẩn ở nhà làm việc giúp bố mẹ. Dù thương con cũng chẳng lấy đâu ra tiền mà cho con đến các trung tâm. Cùng lắm là cho đến xem thú ở Công viên Thủ Lệ". Do không có chỗ chơi, tối đến bọn trẻ thường tụ tập đi chơi quanh làng. Trong đám bạn của Đạt, nhiều đứa đã lao vào games, chát chít, có hôm chơi thâu đêm không về. Chỉ có những bạn nữ hoặc rất ít các bạn nam tham gia vào sinh hoạt hè mỗi tuần một vài lần theo phong trào chung của xã.
Chẳng riêng gì ở Đan Phượng, hầu hết các huyện ngoại thành của Hà Nội hiện nay đều thiếu vắng những khu vui chơi, giải trí cho trẻ em. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều em rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội. Kể lại chuyện đi tìm con, anh Nguyễn Huy Cường, ở xã Minh Khai (Từ Liêm) cho biết, có hôm phóng xe đi khắp nhà bạn bè tìm cậu quý tử mới học lớp 8 mà không thấy đâu. Huy động cả nhà, nhờ cả bạn học đi tìm cùng cũng không thấy, chỉ lo mất con. Đến 10 giờ đêm, được bạn bè "chỉ điểm", anh Cường lần ra thị trấn Cầu Diễn thì thấy con đang "chiến" games online. Căn phòng games nét chật kín chỗ ngồi, đặc quánh khói thuốc cùng đám người chơi games, chát chít, xem những ảnh khiêu dâm tràn lan trên mạng.
Chính vì thiếu sân chơi nên trẻ thành thị thường bị tai nạn do chơi các trò chơi trên đường phố hoặc bị sa vào các tệ nạn xã hội, còn trẻ nông thôn thì dễ bị tử vong do đuối nước. Theo Bộ LĐ-TB&XH, có năm cả nước có tới 4.500 ca tử vong do đuối nước. Tính trung bình, mỗi ngày khoảng 12 trẻ bị chết đuối. Ông Lê Tuấn Hữu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, hiện nay dân số khu vực nông thôn chiếm khoảng gần 60%, do đó trẻ em nông thôn hiện đang chiếm phần lớn. Mặc dù công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được thành phố quan tâm với mạng lưới tới từng cơ sở, song hiện nay trẻ em vẫn còn nhiều nguy cơ bị tác động tiêu cực, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị xâm hại hoặc bản thân trẻ em vi phạm pháp luật.
Có thể khẳng định, hiện nay hầu hết các điểm vui chơi cho trẻ tại các xã, phường vẫn là những bãi đất trống, không có đủ sức hút cho trẻ. Nhiều mô hình do ngành LĐ-TB&XH xây dựng mới chỉ nhằm giải quyết, tránh xâm hại trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích chứ chưa tạo sức hút để các em tránh xa các tệ nạn xã hội và những trò chơi nguy hiểm khác. Hè năm 2012 đã trôi qua được hơn 1/2 thời gian, Tháng hành động vì trẻ em cũng đã qua, vậy mà khi được hỏi: Hè này các con chơi ở đâu, nhiều phụ huynh chỉ biết buồn rầu trả lời: Làm gì có chỗ mà chơi? Chúng ta vẫn nói: "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" - chẳng lẽ tương lai của chúng ta chỉ được quan tâm như thế sao?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.