Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân chơi cho thiếu nhi - đến hè lại “nóng”! (tiếp theo)

Bảo Nga - Triệu Dương| 07/06/2013 06:14

(HNM) - Hè về, bên cạnh niềm vui được tạm rời sách vở, trẻ em thành phố lại đối mặt với những ngày


Trong khi các điểm sinh hoạt hè như Cung Thiếu nhi, Công viên Nước... luôn quá tải, trẻ em thành phố sống trong tình trạng 'khát" sân chơi trầm trọng, thì hàng loạt Nhà văn hóa (NVH) cấp quận, huyện lại trong cảnh "đìu hiu" hoặc chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu sự đầu tư, thiếu nguồn nhân lực... và hàng loạt những lý do khác. Vì sao lại có tình trạng này?!

Vỉa hè, nơi vui chơi của không ít trẻ em sống trong nội thành.


Nhà văn hóa quận, huyện: Mỗi nơi một phách!

Được xem là "điểm sáng" của quận Cầu Giấy và thành phố trong công tác chăm sóc, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu nhi, quy mô và hoạt động của NVH quận Cầu Giấy có lẽ chỉ đứng sau Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội. Từ một NVH với chức năng chính là chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trong quận, nhưng do thiếu trung tâm văn hóa thiếu nhi nên NVH quận Cầu Giấy "gánh" thêm trọng trách đặc biệt này. Với cơ ngơi khang trang gồm NVH cũ và Nhà truyền thống được khánh thành năm 2009 với vốn đầu tư tới gần 30 tỷ đồng, NVH quận Cầu Giấy thường xuyên dành 20 phòng tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho thanh, thiếu nhi. Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng 6 là NVH nhộn nhịp khai giảng các lớp học hè. Dịp hè 2013 này, NVH tổ chức hơn 20 lớp dạy năng khiếu nghệ thuật cho các em, gồm: Lớp học làm MC, tập đọc thơ, múa, vẽ, piano... thu hút hơn 1.000 em tham gia. Bên cạnh đó, NVH còn đứng ra tổ chức 8 lớp năng khiếu tại NVH các phường Quan Hoa, Dịch Vọng... So với nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em trong toàn quận, con số này chưa thấm tháp vào đâu. Song, nếu so với hàng loạt NVH trong cảnh xập xệ, đìu hiu trên địa bàn thành phố, không thể phủ nhận những cố gắng của NVH quận Cầu Giấy. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc NVH quận Cầu Giấy, người có 34 năm gắn bó với công tác văn hóa cơ sở, việc chăm lo đời sống tinh thần cho thanh, thiếu nhi của các NVH hiện nay gặp quá nhiều khó khăn. Trước hết là về cơ chế. Mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều văn bản, chính sách thể hiện sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, song việc đầu tư cho công tác này còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động vui chơi, sinh hoạt của thanh, thiếu nhi hầu như "trắng", không có bất cứ sự hỗ trợ gì. Để có thể duy trì hoạt động, NVH phải thu học phí của các em. Mức thu cao nhất với một lớp học năng khiếu cũng chỉ 200.000 đồng/khóa/lớp chỉ đủ trang trải tiền điện, nước trong các giờ học của các cháu. Các chi phí khác như trả phụ cấp cho giáo viên, trang bị lớp học... NVH phải tự lo.

Cũng theo ông Tùng, khó khăn của NVH quận hiện nay là chưa có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về nghiệp vụ công tác thiếu nhi. Tổ chức hoạt động cho người lớn đã khó, tổ chức hoạt động hè cho trẻ em còn khó khăn hơn nhiều bởi tính cách lứa tuổi khiến các em luôn thụ động, do đó đòi hỏi thầy cô vừa dạy vừa phải "dỗ" các em. Làm công tác văn hóa phải xuất phát từ con người, nếu không có tình yêu đối với trẻ em và sự kiên nhẫn, chắc chắn sẽ không làm được. Với lực lượng gồm 30 cán bộ, nhân viên và 20 cộng tác viên, để tổ chức được hơn 20 lớp năng khiếu trong dịp hè cũng là sự cố gắng lớn của cả lãnh đạo và nhân viên.

Mối nguy hiểm rình rập

Cũng như rất nhiều em nhỏ khác ở phường Hàng Bài, hai anh em Lương Minh Hoàng (8 tuổi) và Lương Hoàng Vũ (6 tuổi) ở 14 Ngô Thì Nhậm vẫn chạy chơi tung tăng trên hè phố mỗi ngày. Anh Linh, chị Phượng - bố mẹ hai em bận túi bụi nên hễ nhớ đến con lại hớt hơ hớt hải nhìn và quát: "Chạy tránh bếp than tổ ong ra" hay "Cẩn thận bỏng pô xe máy"… Điều này diễn ra hằng ngày, không chỉ với gia đình anh Linh, chị Phượng mà với tất cả những đứa trẻ lớn lên ở phố Ngô Thì Nhậm và những khu phố chật hẹp khác của Thủ đô. Nói về NVH hay khu vui chơi dành riêng cho trẻ em, cả vợ chồng anh Linh cùng những hộ dân phố khác đều nhún vai, lắc đầu vì chưa từng nghe tới khái niệm này.

Nhưng theo chị Hà ở bãi Phúc Tân, Hoàn Kiếm, những đứa trẻ ở ngoài đê không có chỗ vui chơi đã đành, hằng ngày, hằng giờ phụ huynh vẫn nỗi lo canh cánh về tai nạn sông nước bởi sểnh mắt một chút là cả đám lau nhau lại rủ nhau ra bờ sông nô đùa. Anh Nguyễn Hoàng Dũng, giáo viên thể dục cho biết: "Trẻ con nhà ở ven đê còn may, chứ nhiều gia đình ở khu vực đường Lê Duẩn, Phùng Hưng… sát với đường tàu hỏa thì lúc nào cũng nơm nớp chuyện tai nạn đường sắt. Có lẽ ở mãi rồi cũng quen. Hôm trước đến chơi nhà người thân, thấy lũ trẻ vô tư ngồi chơi trên đường ray mà mình sởn da gà".

Trao đổi với chúng tôi, anh Phùng Hà Điệp, cán bộ Đoàn thanh niên Quận đoàn Hoàn Kiếm cho biết, đặc thù của quận là đất chật người đông nên ở nhiều phường, thiếu nhi phải sinh hoạt ở hội trường UBND, thư viện khi hết ca làm việc. Nhưng "cái khó ló cái khôn". Có những phường điều kiện cơ sở vật chất hết sức khó khăn như Hàng Đào, Hàng Mã nhưng cán bộ đoàn đã có sáng kiến phối hợp với Cục Điện ảnh quân đội tổ chức cho các cháu xem phim miễn phí mỗi khi vào hè. Riêng về phát huy vai trò Đoàn thanh niên, anh Điệp khẳng định: "Được giao nhiệm vụ là phó ban chỉ đạo hè, hằng năm chúng tôi có nhiều chương trình hoạt động phong phú như tổ chức cho các cháu học hát về ca khúc măng non, triển khai thư viện và tổ chức các cuộc thi múa hát ngoài trời thu hút các em tham gia. Anh Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn cho biết thêm, cán bộ đoàn không thiếu nhiệt huyết và sáng tạo nhưng thiếu không gian sinh hoạt tại cộng đồng cho trẻ em. Ở cấp quận, Đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động hè bổ ích tại công viên, những địa điểm công cộng nhưng khi muốn triển khai về phường thì lại gặp khó khăn về địa điểm…

Tại các khu tập thể ở Kim Liên, Trung Tự, Nam Đồng… giữa những khoảng sân của khu tập thể, người lớn dường như đã có ý thức hơn khi tạm dẹp hoạt động trông giữ xe để nhường chỗ làm sân chơi cho con trẻ. Trẻ em ở những khu vực này tuy có không gian nhưng chẳng ai mặn mà với những trò đu quay, cầu trượt cũ rích và gỉ hoen. Thiếu đi tiếng cười con trẻ, thiếu đi hoạt động vui chơi hằng ngày, sân chơi dần trở thành nơi phơi phóng quần áo. Còn ở những chung cư cao cấp hiện đại có bảo vệ 24/24h, tầng dưới tận dụng làm siêu thị, văn phòng cho thuê nên trẻ em chỉ tận dụng được khoảng không trước tiền sảnh để vui chơi mỗi tối. Bác Nguyễn Thị Yến ở C2 tập thể Kim Liên cho biết, sân cho trẻ em dù được đầu tư cả đu quay, cầu trượt bằng nguồn vốn đóng góp của bà con nhưng cũng chỉ "dành" cho người lớn tập thể dục mỗi ngày…

Anh Ngô Chu Cường, Bí thư Đoàn phường Trúc Bạch, quận Ba Đình cho biết, chúng tôi tận dụng các khoảng trống ở mỗi cụm dân cư để triển khai cán bộ đoàn về cơ sở tổ chức sinh hoạt hè theo định kỳ cho các em. Để tạo sân chơi cho trẻ, theo anh Cường không khó, quan trọng là tìm được nguồn tài trợ. Anh ước ao giá mà phường Trúc Bạch lúc nào cũng sầm uất hoạt động buôn bán như ở phường Hàng Mã, Hàng Đào… thì việc kêu gọi phụ huynh tài trợ cho các hoạt động hè sẽ chẳng mấy khó khăn. Nếu có nguồn kinh phí, lực lượng đoàn thanh niên sẽ chắp nối, dàn dựng để hoạt động hè của thiếu nhi thêm bổ ích, lý thú chứ không rơi vào cảnh "lực bất tòng tâm" như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi cho thiếu nhi - đến hè lại “nóng”! (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.