(HNM) - Ngành hàng không thế giới đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu bay của người dân trong những năm qua. Điều này đang đặt ra sức ép không chỉ đối với các hãng hàng không mà cả trong các dịch vụ mặt đất. Nhiều sân bay đối mặt với tình trạng quá tải trong khi việc mở rộng đòi hỏi nhiều kinh phí lẫn thời gian. Trong bối cảnh đó, các quốc gia đang theo đuổi một giải pháp đột phá hơn, đó là xây dựng các sân bay thông minh.
Quốc gia được cho là tiên phong trong xu hướng này là Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với việc sử dụng thẻ lên máy bay điện tử, tự động làm thủ tục lên máy bay, xuất nhập cảnh bằng hệ thống sinh trắc học... Nhờ đó, dù sân bay quốc tế Dubai đón tiếp tới 89 triệu lượt hành khách vào năm 2018, nhưng thời gian chờ của hành khách lại được giảm xuống 30%.
Trong khi đó, sân bay ở Abu Dhabi cũng đang đi đầu trong áp dụng công nghệ 5G. Đây sẽ là nền tảng để sân bay triển khai các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thiết bị tự động và các robot công nghệ cao.
Nắm bắt xu hướng này, Hàn Quốc cũng đã thiết lập hình mẫu sân bay thông minh dựa trên thước đo 100 điểm tiêu chuẩn. Tại sân bay Incheon, 14 robot có tên Air Star trang bị công nghệ lái tự động, trí tuệ nhân tạo được đưa vào sử dụng. Air Star đã cung cấp khoảng 300.000 lượt dịch vụ hướng dẫn hành khách.
Nhờ vậy, quầy làm thủ tục tại đây khá vắng vẻ vì mọi quy trình đã được tự động hóa. Du khách tự làm thủ tục, tự gửi hành lý một cách dễ dàng. Việc thất lạc hành lý rất khó xảy ra vì tỷ lệ rủi ro cho phép ở khâu này chỉ là 9 phần triệu. Theo thống kê, công suất của sân bay Incheon năm 2018 lên tới 69 triệu lượt khách.
Mới đây, Bộ Giao thông Thái Lan cũng thúc đẩy thực hiện dự án sân bay thông minh thông qua việc lên kế hoạch sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt tại 5 sân bay nằm sâu trong nội địa. Công nghệ này dự kiến sẽ thay thế cho việc kiểm tra hộ chiếu và thẻ căn cước vốn đang trở thành một thủ tục mất nhiều thời gian do số lượng hành khách đi máy bay ngày càng tăng.
Ngoài ra, khách du lịch có thể được gắn thẻ hành lý ngay tại khách sạn hoặc tại các điểm làm thủ tục khác trước ngày bay. Như vậy, hành khách sẽ không gặp phải tình trạng tắc nghẽn tại các quầy làm thủ tục ở sân bay.
Theo các nhà quản lý, dù sân bay thông minh đang là xu thế các quốc gia hướng tới nhưng cũng còn rất nhiều rủi ro cần tính đến, nhất là vấn đề an ninh mạng. Các chuyên gia tính toán, có thể phải cần ít nhất 10 năm nữa để hoàn thiện toàn diện các chức năng cần thiết nhằm áp dụng đồng loạt sân bay thông minh ở nhiều quốc gia trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.