(HNMO) - Tháng 6-2020, Cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước Tân Sơn Nhất sẽ được tiến hành xây dựng nhà ga T3, cải tạo nhà ga T1 và T2; sửa chữa, nâng cấp các đường băng, sân đỗ, bãi để xe… Sân bay lớn nhất nước đang chuẩn bị để có thể đón được 50 triệu lượt hành khách/năm, khắc phục tình trạng quá tải hiện nay.
Xây mới nhà ga T3
Tháng 5-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất), giải tỏa nỗi lo quá tải đang hiện hữu hằng ngày tại sân bay lớn nhất cả nước này.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang có nhà ga T1 (ga quốc nội) và T2 (ga quốc tế), với tổng công suất phục vụ 28 triệu lượt hành khách/năm. Tuy nhiên, năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã phải đón 38,4 triệu lượt hành khách. Năm 2019, con số này là 40,6 triệu lượt. Tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, việc đầu tư xây dựng thêm nhà ga T3 công suất 20 triệu lượt hành khách/năm là phù hợp với quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh để nâng tổng công suất toàn sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt hành khách/năm.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư với số vốn gần 11.000 tỷ đồng từ vốn doanh nghiệp, không dùng ngân sách.
Nhà ga T3 dự kiến nằm trên phần đất thuộc khu nhà ga, sân đỗ quân sự trước đây, cùng phía với nhà ga T1 (ga quốc nội) hiện hữu. Về quy mô, ngoài nhà ga hành khách T3 đạt tiêu chuẩn quốc tế, dự án còn mở rộng sân đỗ máy bay, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV cho hay: “Chúng tôi đã cân đối đủ vốn để triển khai thực hiện dự án ngay từ tháng 6-2020. ACV sẽ phấn đấu hoàn thành công trình sau 37 tháng thi công”.
Nâng cấp đường băng
Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang có hai đường cất hạ cánh cách nhau 365m và hệ thống các đường lăn song song, đường lăn nối và đường lăn thoát nhanh. Kết cấu đường băng, đường lăn được tính toán bảo đảm khai khác cho loại máy bay B777-300ER và tương đương. Khả năng khai thác tương đương 231.000 lần cất hạ cánh/năm.
Tuy nhiên, sân bay đang được khai thác với nhiều loại máy bay có tải trọng và áp suất bánh hơi lớn hơn nhiều so với máy bay thiết kế. Tổng số lượt máy bay khai thác hiện đã vượt quá số lượt máy bay tính toán. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc đường cất hạ cánh và đường lăn bị xuống cấp ngày càng nhanh, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn khai thác bay.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn thông tin, các bên đang tích cực phối hợp để có thể khởi công việc sửa chữa, nâng cấp các đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất trong tháng 6-2020. Giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành trong tháng 12-2020. Tổng nhu cầu vốn cho việc cải tạo, nâng cấp lên đến 2.058 tỷ đồng.
Bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp, làm mới hệ thống đường giao thông cũng sắp được khởi công. Cụ thể, đối với đường ra vào sân bay, sẽ sử dụng đường Trường Sơn hiện hữu, quy hoạch tuyến đường trục nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với quy mô 4-6 làn xe; mở rộng đường Hoàng Hoa Thám vào đường Thân Nhân Trung quy mô 4 làn xe, mở rộng đường 18E quy mô 4-6 làn xe.
Cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu bổ sung cầu vượt trên cao kết nối khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh với nhà ga T3, bổ sung đường trên cao từ cuối sảnh ga quốc tế T2 qua nhà ga quốc nội T1 đi theo đường Thăng Long tới đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Phan Thúc Duyện, một nhánh xuống đường Nguyễn Văn Trỗi... Cùng với đó là các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, hệ thống thoát nước và hồ điều hòa chống ngập cho sân bay.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định: “Theo lộ trình đến năm 2021-2022, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có những giai đoạn quá tải nhưng không đến mức ùn tắc. Con số 50 triệu lượt hành khách/năm là công suất thiết kế, nếu tổ chức tốt vẫn có thể khai thác được 55 triệu lượt hành khách/năm”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.