(HNMCT) - Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh không phải là quê hương nhưng những năm tháng mưu sinh khiến nơi đây trở thành vùng đất gắn bó khó rời với nhiều người. Như cô bé Hoài Hương 14 tuổi đã theo cha mẹ đến Sài Gòn định cư; như chàng thanh niên Nguyễn Hoàng Trung Hiếu đỗ đại học rồi ở Sài Gòn lập nghiệp. Từ ấy, cả hai người họ mấy mươi năm gắn bó với đô thị xô bồ, đông đúc này mà lòng không nguôi nhớ về cố hương. Nếu Nguyễn Hoàng Trung Hiếu nhớ về hũ mắm quê nhà, nhớ cơm cháy của mẹ, nhớ mùa thuốc rê thì trang viết của Hoài Hương thường nghiêng về đất Bắc, rõ là phong vị miền Nam mà phảng phất chất văn dịu ngọt của con gái Hà thành.
Nhưng nhớ về cố hương không có nghĩa lãng quên hiện tại, lãng quên vùng đất phương Nam thân thuộc.
Cho nên, hai tác giả thuộc hai thế hệ, ở độ tuổi cách xa nhau, ở hai giới khác nhau, đến từ hai vùng quê nhưng nhờ có thành phố Hồ Chí Minh mà họ trở thành bạn văn, giờ đây lại cùng ra chung một tập sách: Sài Gòn 7.000 đêm & thương... rồi nhớ. Với họ, thành phố này không chỉ mở rộng vòng tay che chở, bao bọc họ như đã làm với bao người, mà còn là nơi mà họ đã sống, đã yêu và đóng góp một phần làm cho nó thêm sôi động: “Nhiều người kỳ vọng rằng, Sài Gòn sôi động sẽ giúp tạo ra những con người năng động, mạnh mẽ... và như thế, họ đến, ngồi lì ra, chờ biến đổi. Nhưng nếu phải nói một điều gì đó, với những người đang chuẩn bị đến với Sài Gòn, thì tôi phải minh định rằng, chính những người năng động, mạnh mẽ mới có thể tạo ra một Sài Gòn sôi động. Và Sài Gòn, sôi động như hôm nay, nhờ vào những người đã đến và mặc cho vùng đất này chiếc áo sôi động” (Nguyễn Hoàng Trung Hiếu).
Một Sài Gòn sôi động, giản dị và đời thường đến thế trong từng trang viết của Nguyễn Hoàng Trung Hiếu qua từng mảnh đời lao động chân chất như cụ bà bán rau, chị Mộng bán bưởi, ông Hai vé số, anh Tài xe ôm... nhưng lại có một Sài Gòn tinh tế, lãng mạn qua từng lát cắt của Hoài Hương. Đó là mùa mưa tháng Sáu không đầu nguồn cuối ngọn như mật men làm say lòng người, là khoảnh khắc thu chợt đến giữa vòng quay hai mùa mưa nắng mà chỉ những tâm hồn nhạy cảm mới nhận ra, là loài hoa “kèn hồng” thong dong nở cho Sài Gòn thoáng chốc hóa nàng thơ, là âm vang giai điệu về mùa xuân thành phố khi tha thiết, êm đềm, lúc vỡ òa chiến thắng...
Hai giọng văn riêng biệt cùng góp chung tiếng nói tỏ bày tình yêu với thành phố phương Nam. Nếu với Nguyễn Hoàng Trung Hiếu thành phố này từng như một ông thầy khó tính “bắt tôi trải qua bao cuộc mưa dập gió vùi” rồi mới “chừa cho tôi một khoảng trống, để tự bước vào, tung tẩy với bạn bè khắp bốn biển năm châu”, thì với Hoài Hương, Sài Gòn luôn tràn đầy nỗi nhớ niềm thương để lúc nào chị cũng muốn “mời anh vào phương Nam với em để một lần thử cảm nhận”, để gặp một Sài Gòn mang vẻ đẹp khác, “như chính tính cách của người phương Nam: Hào hiệp, hào phóng, cảm thông, chia sẻ, chân tình...”.
Cuốn sách Sài Gòn 7.000 đêm & thương... rồi nhớ do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.