(HNM) - Nếu kể về thể loại, tập sách không được nhất quán, vì "thêm" cả thơ về người thân và đọc sách, bình thơ. Nhưng phần chủ yếu nhất, chân dung văn học, lại thú vị.
(Tập chân dung văn học - Phan Thị Thanh Nhàn - NXB Hội Nhà văn 2010)
(HNM) - Nếu kể về thể loại, tập sách không được nhất quán, vì "thêm" cả thơ về người thân và đọc sách, bình thơ. Nhưng phần chủ yếu nhất, chân dung văn học, lại thú vị.
Tác giả của "Hương thầm" làm việc, thân quen với bạn văn thuộc nhiều thế hệ, đưa họ vào "tầm ngắm". Bài vở để đăng báo - có thể thấy điều ấy qua độ dài - nên đa dạng, cái rất kỹ, cái lại nhẹ hều. Ta đã biết câu "văn đẻ ra văn", đọc "Sự cực đoan đáng yêu" lại có thể thêm vế "bạn văn cũng đẻ ra văn" được.
Chẳng hạn có tới 5 bài về Tô Hoài; cứ như là một dòng sông để "bà trẻ" Thanh Nhàn "bơi" mãi. "Luôn chú ý đến chi tiết và chỉ xúc động với những chi tiết" là một quan sát sâu. Chị kể về nhà văn già theo kiểu "ngước lên", thật nhiều vẻ, khiến người khác phải thèm muốn. Có tới hơn hai chục bài về bạn nữ, mà không phải chỉ về thơ văn. Phái nữ ngắm nhau rất thương, đem cả chuyện nhỏ vào mà thương, nhưng mà cũng có đoạn khe khắt. Thanh Nhàn lấy tên bài viết về Ý Nhi đặt cho tập sách, nhưng tôi lại thích những gì chị kể về Xuân Quỳnh, Bùi Kim Anh, Dương Thị Xuân Quý, Anh Thơ, Đoàn Thị Lam Luyến hơn. "Phụ nữ và những nỗi niềm thơ" là bài hay, đầy chiêm nghiệm, với những câu trích đắt. Khi viết về "đám đàn ông" như Nguyễn Đình Thi, Bằng Việt, Vũ Quần Phương… dù cũng sắc sảo nhưng đa phần chị cũng dừng ở mức độ quan sát chứ không đau đáu như với bạn nữ.
Với giọng kể dung dị, không dụng văn, Phan Thị Thanh Nhàn đem đến cho người đọc nhiều chuyện xác thực, khiến liên tưởng, khiến nghĩ ngợi. Nhà văn quan sát nhau, thế là độc đáo chứ. Nhưng những ảnh đem ra in lại tạo cảm giác nghiệp dư, đáng tiếc!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.