(HNM) - Trước tình trạng khan hiếm sách giáo khoa vào đầu năm học 2018-2019, nhiều ý kiến cho rằng có nguyên nhân từ việc sử dụng sách một lần. Cũng có ý kiến cho rằng, việc sử dụng như hiện nay là gây lãng phí...
Công khai danh mục sách giáo khoa để tránh lãng phí trong việc phát hành. Ảnh: Nhật Nam |
Lãng phí sách, do đâu?
Từ thực tế quản lý công tác phát hành tại 16 quận, huyện thuộc địa bàn được giao, ông Vũ Xuân Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội nhận định: Tại Hà Nội, hầu hết phụ huynh có điều kiện quan tâm đến việc học của con nên rất ít học sinh sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Số lượng sách phát hành theo kênh các nhà trường tại Hà Nội trong những năm gần đây ở mức trên 3 triệu bản sách/năm. Riêng năm 2018 là 3,5 triệu bản, tăng gần 20% so với năm 2017, ngoài ra còn khoảng 1 triệu bản phát hành qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng sách không có nhiều biến động.
Theo khảo sát của phóng viên, giá bán lẻ bộ sách giáo khoa hiện hành dao động từ 45.000 đồng/bộ đến 153.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh đều chi số tiền lớn hơn cho việc mua sách bài tập, sách tham khảo. Bà Hoàng Thị Anh, phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) nói: “Khoản tiền này với đa số phụ huynh, kể cả ở vùng nông thôn, không phải là nhiều. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu học tập của con được tốt hơn, chúng tôi mua bổ sung các loại sách bài tập, sách tham khảo theo hướng dẫn của nhà trường. Nhiều người còn tự mua thêm sách để con ôn tập ở nhà”.
Xem xét vấn đề từ góc độ khác, anh Lê Tuấn Minh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc tái sử dụng sách hay không phần nhiều do phụ huynh. Đơn cử ở cấp tiểu học, giá sách giáo khoa ở mức trung bình 10.000 đồng/cuốn, rẻ hơn so với nhiều loại sách có cùng số trang. Nếu phải mua thêm một cuốn vở thì lại thêm chi phí, mà chưa chắc đã hiệu quả hơn. Trong khi một cuốn bài tập toán với hai công năng vừa là sách ra bài tập vừa là vở để học sinh làm, tổng chi phí chỉ bằng khoản tiền bỏ ra để mua một quyển vở.
Hiện tượng thiếu sách giáo khoa đầu năm học 2018-2019 khiến dư luận đặt ra vấn đề có thể sử dụng lại sách giáo khoa cũ hay không. Bà Phùng Thị Thúy Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Xá (huyện Thạch Thất) cho biết: Ngoài các đầu sách giáo khoa, sách giáo viên mới, hằng năm thư viện nhà trường vẫn bổ sung hàng trăm đầu sách giáo khoa cũ đã qua chọn lọc để phục vụ nhu cầu của học sinh. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào quyên góp sách giáo khoa cũ để ủng hộ cho thư viện trường học tại các khu vực khó khăn là thiết thực và có ý nghĩa với nhiều học sinh nghèo. Về điều này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Nhiều học sinh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn sử dụng sách giáo khoa cũ, còn sách có phần để học sinh làm bài trực tiếp đều là sách bài tập, sách tham khảo. Các loại sách này được nhà trường lựa chọn sử dụng theo nhu cầu.
Cần danh mục sách giáo khoa tối thiểu
Hầu hết phụ huynh có con đang ở độ tuổi học phổ thông đều tỏ ra lúng túng khi được hỏi: Bộ sách giáo khoa gồm những quyển gì? Còn nhớ, vài năm trước, để hạn chế hiện tượng nhà trường ép buộc học sinh phải mua nhiều loại sách đồng thời hướng dẫn phụ huynh mua đúng, đủ loại sách cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành danh mục sách tối thiểu cho học sinh cấp tiểu học. Theo đó, mỗi học sinh lớp 1, 2, 3 cần có 6 loại sách; học sinh lớp 4, 5 cần 9 loại sách. Đáng chú ý, trong các loại sách này không xuất hiện sách bài tập.
Nhiều phụ huynh chi số tiền lớn để mua sách bài tập, sách tham khảo. |
Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có quy định: Việc lựa chọn sách tham khảo do hiệu trưởng nhà trường quyết định dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; nhà trường có trách nhiệm tư vấn cho học sinh, phụ huynh trong việc lựa chọn, mua xuất bản phẩm tham khảo.
Thực tế, không nhiều phụ huynh biết quy định nói trên và ít người phân biệt được đâu là sách bắt buộc, đâu là sách bổ trợ kiến thức, cũng không mấy nhà trường tư vấn cho phụ huynh về việc này. Thiếu danh mục sách tối thiểu ở từng cấp học cụ thể, trong khi giá mỗi cuốn sách không quá cao, nên hầu hết phụ huynh không mấy đắn đo khi mua, thậm chí có những cuốn mua về nhưng cả năm không dùng đến. Đây là một nguyên nhân gây lãng phí trong việc sử dụng sách, cũng là điều mà các cơ quan chức năng cần tính đến khi sắp tới chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa được triển khai tại các nhà trường.
Nhằm tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, cũng là để hạn chế sự lãng phí hoặc làm nảy sinh tiêu cực trong việc phát hành sách, trong văn bản góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung quy định minh bạch giá sách giáo khoa vào luật. Muốn minh bạch được về giá thì danh mục sách giáo khoa cũng phải được công khai, minh bạch để người dân nắm rõ sách giáo khoa gồm những sách nào; sách bổ trợ, sách tham khảo cần được phân biệt ra sao...
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng, sắp tới, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giao quyền cho cơ sở lựa chọn sách giáo khoa để tổ chức dạy học theo nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Thông tư sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa. Ngoài ra, Thông tư sẽ quy định chế tài xử lý hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, phụ huynh. Hiện nay, dự thảo các chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Hội đồng quốc gia thẩm định và thông qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu biên soạn sách giáo khoa thực hiện việc biên soạn, đề nghị thẩm định theo quy định. Minh Khang |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.