(HNM)- Lâu nay vấn đề sách giáo khoa (SGK) đang có nhiều quan điểm khác nhau. Vì vậy không ngạc nhiên khi buổi giới thiệu cuốn SGK Toán của Pháp bằng tiếng Việt do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) tổ chức đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, người viết sách.
Bởi những vấn đề của SGK chưa bao giờ "nguội", nhất là năm 2015, thời điểm đã được ấn định để chuẩn bị cho một lần thay sách mới ngày mỗi gần. Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái - Tổng Giám đốc NXBGDVN cho biết, sắp tới NXBGDVN sẽ tiếp tục giới thiệu SGK của Mỹ, Australia... như một kênh thông tin quan trọng để "chúng ta có được những cuốn SGK bổ ích, triết lý, có mục tiêu và mang tính cạnh tranh sau năm 2015".
Một chương trình, nhiều bộ SGK ?
- Mong muốn có những cuốn SGK mang tính cạnh tranh, có phải ông ủng hộ quan điểm một chương trình, nhiều bộ sách vốn từng gây nhiều tranh cãi?
- Quan điểm có nhiều bộ SGK được viết dựa trên một chương trình chuẩn là đúng đắn, phù hợp với xu hướng chung. Nó sẽ tạo điều kiện để người dạy và người học lựa chọn những cuốn SGK tốt nhằm nâng cao chất lượng. Việc phải cạnh tranh cũng khiến cho SGK sẽ có chất lượng tốt hơn. Điều khiến người ta tranh luận là do những lo ngại về các điều kiện để triển khai một chương trình, nhiều bộ sách.
- Theo ông, những điều kiện nào được coi là tiên quyết cho việc có nhiều bộ SGK tồn tại song song?
- Việc biên soạn nhiều bộ SGK theo một chương trình chuẩn là việc nhiều nước đã làm từ lâu, song ở Việt Nam bao giờ nên làm và làm như thế nào cần phải cân nhắc cho thấu đáo để nó có thể trở thành hiện thực và đem lại lợi ích cho nền giáo dục nước nhà. Bởi vì, để làm được việc ấy thì phải có hai điều kiện tiên quyết là phải được cấp có thẩm quyền, Quốc hội hoặc Chính phủ cho phép thực hiện chủ trương ấy và phải có một chương trình chuẩn. Ngoài điều kiện tiên quyết ấy thì còn phải có rất nhiều điều kiện bảo đảm như quy định cho phép biên soạn bao nhiêu bộ SGK đối với từng môn, từng cấp, nguyên tắc chọn tác giả viết SGK, nguyên tắc thẩm định sách, định giá sách, quyền chọn lựa SGK là của trường, của phòng GD-ĐT hay của Sở GD-ĐT, của giáo viên, phụ huynh, học sinh... rồi chỉ đạo việc kiểm tra, đánh giá, thi cử ra sao, đội ngũ giáo viên có đủ trình độ để soạn giáo án và giảng dạy trong điều kiện mới hay không.
- Giả sử cấp có thẩm quyền sẽ đồng ý với chủ trương này thì theo ông, thời điểm năm 2015 có hợp lý để triển khai nhiều bộ sách?
- Muốn triển khai được nhiều bộ SGK cho học sinh dùng sau năm 2015 thì có nhiều việc phải chuẩn bị, nhưng trước hết cần phải xây dựng Bộ chương trình chuẩn, khắc phục được nhược điểm của Bộ chương trình chuẩn của chu kỳ 2002 - 2008 vừa qua, nguyên nhân gây nên những vấn đề tồn tại của SGK hiện hành.
- Nhược điểm đó là gì và sẽ khắc phục theo hướng nào, thưa ông?
- Có nhiều nhược điểm và báo chí cũng phân tích khá nhiều rồi. Để xây dựng được cái mới, Bộ GD-ĐT cũng phải đánh giá cái cũ, nhưng tôi cho rằng, có hai nhược điểm lớn nhất. Nhược điểm thứ nhất là chương trình chuẩn hiện hành được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung. Về vấn đề này quan điểm đổi mới đã tương đối thống nhất, rằng chương trình chuẩn mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực. Nghĩa là, rồi đây, chương trình mới sẽ bớt lượng nội dung, kiến thức, mà tăng cường rèn luyện, thực hành, gắn với thực tế cuộc sống. Đây là hướng mà thế giới người ta làm lâu rồi. Cuốn sách toán của Pháp mà Công ty Sách dịch và Từ điển của chúng tôi vừa giới thiệu thể hiện rõ hướng này. Sách toán của họ phong phú, nhiều thông tin về các lĩnh vực như môi trường, du lịch, kinh tế với những kiến thức gần gũi, không khô khan. Học sinh học toán nhưng lại biết tới tiền tệ, học lớp 6-7 đã biết khái niệm lỗ lãi, tiền hoa hồng. Thậm chí học toán qua cả công thức làm bánh. Hiện nay, đã có 7 bản sách lớn về SGK của các nước được dịch ra tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam. Khi dịch và giới thiệu SGK của các nước, chúng tôi mong muốn lần biên soạn SGK này sẽ có những cải cách mạnh tựa vào chính những bộ SGK của các nước tiên tiến.
Nhược điểm thứ hai là quá tải. Giảm tải thì đúng rồi nhưng giảm bao nhiêu, theo hướng nào, như thế nào là một vấn đề hết sức phức tạp, cần cân nhắc cẩn thận. Sở dĩ có phần quá tải là do nhiều nguyên nhân mà tôi nhớ rằng báo chí đã từng có loạt bài phân tích khá sâu sắc và toàn diện rồi. Nhân đây tôi cũng xin tạm tổng kết rằng, nguyên nhân đầu tiên là chưa có cái nhìn xuyên suốt cả 3 cấp; thứ hai là ở một lớp học sinh học quá nhiều môn. Đó là những nguyên nhân đến từ chương trình chuẩn, ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác nữa như trình độ giáo viên, áp lực của bệnh thành tích của thi cử, kỳ vọng của cha mẹ học sinh...
- Như vậy, cốt lõi là chương trình, nhưng hay, dở người ta chỉ nhìn thấy ở SGK, mà SGK thì rõ ràng là sản phẩm của NXB. Bởi vậy, mỗi khi có vấn đề về SGK, dư luận lại "soi" NXB. Có lúc nào ông thấy bức xúc không ?
- Nói thật là cũng có. Nhưng mỗi khi dư luận xã hội phản ứng về SGK chúng tôi cũng phải suy nghĩ dù mình chỉ thực hiện một số khâu cuối cùng. Như tôi vừa nói thì nhiều vấn đề tồn tại của SGK bắt nguồn từ việc chúng ta làm chương trình chuẩn nhưng lại chưa chuẩn. Do không phải là bộ phận làm chương trình chuẩn nên chỉ đến khi làm sách chúng tôi mới được tiếp xúc thực sự với chương trình và khi ấy có góp ý thì cũng thiếu kịp thời và nhiều khi không còn cơ hội sửa chữa. Ví dụ như, khi các biên tập viên có trình độ hay tác giả viết sách có ý kiến về cấu trúc chương trình chẳng hạn thì rất khó có thể sửa vì sẽ " rút dây động rừng". Vì thế, để khắc phục tình trạng này, chương trình và chuẩn cần phải được công bố sớm và rộng rãi hơn để toàn xã hội, nhất là các nhà khoa học và sư phạm có thể đóng góp ý kiến. Nhưng trước khi xây dựng chương trình thì phải xác định dứt khoát về hệ thống giáo dục đã, bởi như chúng ta thấy, vừa qua cũng có rất nhiều ý kiến tranh luận rằng giáo dục phổ thông nên kéo dài 12 năm hay chỉ còn 11 năm thôi.
Kinh doanh SGK - khó lắm
- Ủng hộ việc có nhiều bộ SGK để người học lựa chọn, ông không thấy tiếc vị trí "độc quyền" mà lâu nay NXBGDVN đang nắm giữ đối với thị trường SGK hay sao ?
- Dùng khái niệm thị trường với SGK tôi cho là không hẳn đúng. Ở đây không xuất hiện những quy luật của kinh tế thị trường bởi chỉ có NXBGDVN xuất bản và phát hành SGK. Giá SGK phải được Cục Quản lý giá Bộ Tài chính chấp thuận chứ không phải bán theo giá thị trường. Và nhất là giá này luôn thấp hơn giá thành. Còn chuyện độc quyền tôi cho là một hiện tượng lịch sử, không phải cứ muốn độc quyền là được độc quyền. Độc quyền hay không phải xuất phát từ lợi ích chung.
- Ngành nào muốn giữ thế độc quyền mà chẳng nói rằng vì lợi ích chung. Ai cũng kêu phải bán hàng thấp hơn giá thành và phải chịu lỗ.
- Làm SGK lỗ thật đấy. Tôi xin lấy thời điểm năm 2010 bởi đấy là năm Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) chấp thuận cho NXBGD tăng giá SGK vì giá SGK không đủ bù đắp chi phí. NXB đã phải tận dụng các nguồn thu khác để bù đắp sự mất cân đối thu - chi của SGK. Có thể lấy dẫn chứng cụ thể: Doanh thu SGK năm 2010 của chúng tôi là 520 tỷ đồng, hạch toán ra lỗ SGK là 100 tỷ đồng, đơn vị phải cân đối từ các nguồn thu khác như tiền cho thuê nhà, cổ tức, quản lý xuất bản… Đây chỉ là các giải pháp tình thế và không thể kéo dài. Mức điều chỉnh khi ấy bình quân tăng 16,9%, trong khi trên thực tế, nếu tính đủ chi phí đầu vào theo mặt bằng giá thời điểm đó thì giá SGK sẽ phải cần điều chỉnh tăng 25-30%. Có nghĩa là chúng tôi vẫn phải bù lỗ gần một nửa con số trên. Còn đến thời điểm này, mọi chi phí lại tiếp tục tăng, số tiền phải bù lỗ cũng tăng theo, nhưng NXB vẫn giữ ổn định giá bán SGK để mọi học sinh đều có sách dùng, không gây nên những cơn sốt SGK... Đó chẳng phải giữ độc quyền vì lợi ích chung hay sao.
- Bán với giá thấp hơn giá thành, nghĩa là càng bán nhiều thì càng lỗ, sao năm nào các ông cũng chỉnh sửa và in mới để học sinh cứ phải mua SGK mới, không chịu dùng sách cũ như dư luận vẫn lên án?
- Chuyện chỉnh sửa khi tái bản là điều cần phải làm để nâng cao chất lượng sách. Giả sử, nếu chúng tôi tái bản mà có những lỗi, nhiều khi chỉ là in ấn thôi, của những lần in trước không được sửa chữa thì dư luận có lên án không ? Tôi chắc là có, thậm chí nhiều là khác. Nhưng tôi xin khẳng định, học sinh hoàn toàn có thể dùng SGK cũ để học, không ảnh hưởng gì đến chất lượng. Hiện, tỷ lệ học sinh dùng SGK cũ là 39%, mua mới 51%, mượn thư viện 10%. Nhưng đấy là tính chung toàn quốc và những thành phố lớn như Hà Nội chẳng hạn thì tỷ lệ này thấp hơn vì học sinh không chịu dùng SGK cũ chứ không phải không thể dùng SGK cũ.
- Nói đến việc dùng SGK cũ, tôi vẫn nhớ thời mình đi học. Năm học mới, học sinh đến thư viện mượn SGK, về bọc bằng giấy báo, ai sang lắm thì bọc bằng họa báo, nhưng ngày ấy học trò giữ gìn và trân trọng SGK lắm. Cái việc tưởng là nhỏ ấy dạy cho học sinh nhiều điều, nhất là ý thức giữ gìn của công và tiết kiệm cho chính gia đình và tiết kiệm cho xã hội vì không phải in ấn nhiều. Còn bây giờ thì lại hoàn toàn khác....
- Chính vì canh cánh với cái điều mà nhà báo nói là nhỏ ấy mà NXBGDVN rất quan tâm tới mảng thư viện trường học. Trong đó, quan tâm tham mưu xây dựng, củng cố tủ SGK dùng chung, hướng dẫn khuyến khích học sinh xây dựng "Tủ sách của em", tiếp tục đẩy mạnh phong trào quyên góp SGK cũ tặng cho thư viện trường học, giúp các địa phương bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện cho giáo viên thư viện, hướng dẫn, tư vấn xây dựng thư viện chuẩn. Với những nơi có điều kiện, NXB nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình thư viện trường học hiện đại. Tuy nhiên, để thư viện trường học giữ được vai trò như ngày xưa thì cũng còn nhiều việc phải làm lắm.
- Nghe điều này thật buồn. "Bao giờ cho đến ngày xưa"?
- Ý tôi muốn nói ở đây là để thư viện trường học hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học, đổi mới phương pháp dạy của thầy, cách học của trò, là nơi giáo viên, học sinh tìm đọc những cuốn sách tham khảo giá trị thì ngày xưa có lẽ làm tốt hơn. Còn tất nhiên, phương thức để thư viện đảm đương được vị trí đó thì ngày nay phải khác ngày xưa chứ. Cũng giống như để tiết kiệm trong việc sử dụng SGK thì bây giờ bên cạnh việc xây dựng thư viện truyền thống ở những nơi còn khó khăn cần phát triển SGK điện tử chẳng hạn cho những nơi có internet học sinh có thể tải vở bài tập hay những phần mở rộng từ trên mạng, đỡ chi phí cho việc in ấn.
- Nhiều bộ SGK do nhiều NXB ấn hành, rồi SGK điện tử, sách bổ trợ có thể tải từ trên mạng..., có vẻ như NXBGDVN đã sẵn sàng cho việc cạnh tranh, thưa ông?
- Cạnh tranh là để người dùng có nhiều chọn lựa, không bị ép phải học những cuốn SGK kém chất lượng, hoặc không phù hợp nên NXBGDVN cũng mong việc này sớm trở thành hiện thực dù câu chuyện chọn bộ SGK cũng không hề đơn giản. NXBGDVN cũng đã nhiều lần đề nghị cho nhiều NXB tham gia tổ chức biên soạn SGK để khuyến khích cạnh tranh về chất lượng. Chúng tôi tin tưởng rằng, với 55 năm kinh nghiệm chuyên làm SGK thì NXBGDVN có điều kiện và lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh ấy. Tuy nhiên, vì lợi ích chung cũng nên tránh hiện tượng nhà nhà làm sách, người người cùng viết sách vì để có một bộ SGK tốt cần rất nhiều điều kiện mà không phải đơn vị xuất bản nào cũng đáp ứng đầy đủ.
SGK sau năm 2015 sẽ ổn?
- Chương trình, SGK hiện hành mới có tuổi đời 10 năm, nay ngành GD-ĐT lại chuẩn bị cho một lần thay sách, dù được đặt tên là "SGK sau 2015" nhưng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2017. Theo ông, đã cần phải tiếp tục thay SGK hay chưa khi mà đất nước chúng ta vẫn còn nghèo?
- Chúng ta đều biết khoa học công nghệ hiện nay đang phát triển như vũ bão, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt cuộc sống xã hội, trong đó có giáo dục. Không chỉ có khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và công nghệ phát triển mạnh, mà khoa học giáo dục cũng có sự phát triển theo thời gian. Cho nên, chương trình giáo dục phổ thông của các nước phát triển sau 7 - 10 năm đều có sự xem xét, điều chỉnh và thay đổi. Và vì vậy, việc đổi mới chương trình, SGK đặt ra ở nước ta hiện nay để thực hiện vào năm 2017 là phù hợp với xu hướng và kinh nghiệm chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực với các phẩm chất và năng lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
- Có "chân" trong Ban nghiên cứu và khởi thảo đề án "Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015", ông có thể cho biết một số định hướng đổi mới lần này?
- Chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực; tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy. Theo đó nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; coi trọng rèn luyện kỹ năng sống. Chương trình mới sẽ có mức yêu cầu, nội dung mang tính bắt buộc trong toàn quốc, nhưng cũng phải có phần dành cho các địa phương chủ động xác định, vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm dạy học của địa phương, của thầy và trò. Chương trình cũng có sự hài hòa, cân đối giữa "dạy chữ", "dạy người" và từng bước "dạy nghề", định hướng nghề nghiệp, nhất là ở cấp THPT. Nội dung các môn học bảo đảm sự cân đối giữa lý thuyết hàn lâm với tăng cường thực hành, gắn với các tình huống đời sống và yêu cầu giải quyết vấn đề; tích hợp tránh sự trùng lặp không cần thiết gây nên sự quá tải của chương trình. Chương trình không nặng về cung cấp nhiều kiến thức mà các kiến thức được lựa chọn cơ bản, vừa đủ để phát triển năng lực tư duy, phương pháp học, phát triển năng lực giải quyết vấn đề... cho học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý.
- Tôi e rằng, những mục tiêu ấy khó mà thành hiện thực khi mà chúng ta thiếu một điều kiện tiên quyết, đó là con người!
- Đúng là không dễ nhưng tôi cho rằng không dễ không có nghĩa là không làm được. Về con người, chúng ta không thiếu những cá nhân giỏi, chỉ cần có cơ chế để tập hợp họ lại và phải có một "tổng công trình sư" thật sự xuất sắc.
- Cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.