(HNM) - Về vùng cao các huyện Ba Vì, Quốc Oai và Thạch Thất hôm nay, cảm nhận rõ diện mạo đổi thay đến từ những cánh rừng ngút ngàn màu xanh, những thửa ruộng thẳng cánh cò bay, những con đường trải nhựa, bê tông phẳng lỳ men theo triền núi, ánh điện chiếu sáng về khắp các bản làng người Mường, người Dao.
Những đổi thay...
Chạy xe men theo con đường ngoằn ngoèo nối từ tỉnh lộ ĐT-415, vắt qua các triền núi, triền đồi vào các bản làng xa xôi nhất của xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) là Gò, Mít, Sui Quán, Đồng Sống, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Trường Chinh, là người uy tín trong bản Mường Gò Đình Muôn. Ngôi nhà cấp 4 khang trang của ông Chinh nằm sâu trong con ngõ hai bên có những vạt dong riềng xanh ngắt, xa xa là dãy núi Ba Vì sừng sững. Đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu, cái bắt tay ấm áp, người được dân làng suy tôn là “già làng” liền “khoe”: “Tôi vừa được nhận quà tặng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến vì có thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ. Thành tích này của tôi là của chung dân bản Mường Gò Đình Muôn”. Trong câu chuyện của ông Đinh Trường Chinh chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui, khi trong năm qua bản Mường Gò Đình Muôn - là một trong số ít thôn khó khăn nhất (thôn 135) của TP Hà Nội đã đi từng bước vững chắc để đẩy lùi cái nghèo, mang đến cuộc sống ấm no cho nhân dân. “Nói nhiều chẳng bằng mắt thấy tai nghe anh ạ!” - ông Chinh nói, rồi lấy xe máy chở chúng tôi đi một vòng quanh bản.
Tiết học của cô và trò tại điểm Trường Hương Canh, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì. |
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là một hộ nghèo trong bản Mường Gò Đình Muôn. Chủ nhà, anh Đinh Văn Hiền đang tất bật nấu bữa cơm trưa cho thợ, chia sẻ: “Gia đình đã thống nhất với anh em thợ cố gắng hoàn thành ngôi nhà trong tháng này để kịp đón Tết Nguyên đán!”. Ngôi nhà cấp 4 rộng 90m2 của anh Hiền đang được hoàn thiện. “Tổng chi phí khoảng 250 triệu đồng, ngoài tiền tích cóp, tôi mượn thêm bạn bè và anh chị em trong gia đình” - anh Hiền cho biết. Để có tiền xây nhà mới, ngoài việc nuôi lợn, nuôi bò, nuôi ong, khi rảnh rỗi anh chị làm thuê bên ngoài để tăng thu nhập. Cách nhà anh Hiền không xa là gia đình chị Nguyễn Thị Loan cũng mới dựng được ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi. Điều đáng nói là từ một con bò giống được Nhà nước hỗ trợ thông qua chương trình “Ngân hàng bò hỗ trợ vốn giúp hộ nghèo nuôi bò sinh sản phát triển kinh tế”, chị Loan từng bước phát triển đàn bò, xây được nhà mới...
"Già làng" Đinh Trường Chinh phấn khởi nói: “Chỉ trong năm qua Gò Đình Muôn đã giảm gần 30 hộ nghèo, được giúp đỡ xây dựng nhà văn hóa rộng 200m2 và sân vận động mới 8.000m2. Tết này đồng bào vui lắm!”. Ông Chinh cho biết thêm, để xây dựng trung tâm văn hóa của bản làng, các hộ dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, bản thân ông cũng hiến 439m2.
Rời Gò Đình Muôn, chúng tôi đến Hương Canh - bản Mường xa nhất của xã Khánh Thượng nằm ngay sườn Tây núi Ba Vì. Trường Mầm non Hương Canh, với màu sơn vàng, nổi bật giữa bạt ngàn màu xanh núi rừng. Điểm trường có 10 giáo viên, nhân viên và 70 học sinh học ở 4 lớp, gồm nhà trẻ, 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi. Ngôi trường 2 tầng khang trang, hiện đại có đầy đủ các phòng chức năng như phòng học, phòng thể dục và âm nhạc, bếp... Trong mỗi lớp học, đồ dùng dạy học được trang bị đầy đủ, gồm màn hình ti vi, đàn, tủ đựng đồ và đầy đủ các loại học cụ. “Tháng 8-2016, ngôi trường khánh thành là một niềm hạnh phúc vô bờ với cả cô và trò” - cô giáo Đinh Thị Ngân chia sẻ. Trong ký ức của cô và các đồng nghiệp vẫn còn nguyên những năm tháng khó khăn trước đây, khi điểm trường còn là ngôi nhà nhỏ bé, xập xệ, mưa xuống là bao nhiêu khó khăn, vất vả dồn xuống cả cô và trò...
Bản làng yên vui, phát triển
Những ngày này, không khí trong các bản người Dao xã Ba Vì (huyện Ba Vì) luôn rộn ràng, tươi vui. Ở bản Dao Hợp Nhất và Hợp Sơn, các con đường nhánh xưa kia vốn nham nhở, chia cắt bởi những trận mưa lũ gây ra, nay thay bằng những “tấm thảm” bê tông phẳng, sạch đẹp. Vui nhất là người Dao Yên Sơn, con đường trải bê tông độc đạo nối từ tỉnh lộ ĐT-87A chạy vào bản làng nằm khuất bên sườn Đông núi Ba Vì nay rộng rãi, thẳng tắp, ô tô xe máy chạy bon bon. Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng không giấu được niềm vui: “Hết năm nay chúng tôi đã bê tông hóa được 35km/40km giao thông nông thôn trên địa bàn xã. Những vị trí đường nhánh hiểm trở, đi lại khó khăn nhất vào các xóm ngay dưới chân núi Ba Vì cũng được đổ bê tông, người dân rất phấn khởi!”. Ngoài hệ thống giao thông đang dần hoàn chỉnh, người Dao Ba Vì còn đón năm mới với nhiều tin vui như 3 công trình nhà văn hóa được quận Hai Bà Trưng giúp đỡ xây dựng và 3 công trình nước sạch ở 3 bản người Dao Hợp Nhất, Hợp Sơn và Yên Sơn sẽ được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu. “Hệ thống giao thông hoàn chỉnh sẽ giúp nghề làm thuốc Nam của chúng tôi thêm nhiều điều kiện phát triển” - ông Lý Sinh Vượng đánh giá.
Có vị trí thuận lợi hơn các bản người Dao, người Mường ở huyện Ba Vì, các xã người Mường ở huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai có nền kinh tế - xã hội phát triển khá vững chắc. Là một trong những xã miền núi đầu tiên của TP Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015), xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) đã thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay 100% hệ thống giao thông nông thôn được đổ nhựa hoặc bê tông hóa; 100% hệ thống kênh mương kiên cố hóa… “Để hoàn thành những công trình này nhân dân xã Yên Bình đã tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công và hiến hơn 2.000m2 đất” - ông Nguyễn Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình cho hay. Đáng ghi nhận nhất ở đất Mường Yên Bình là người dân nơi đây đã phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng hoa tại thôn Dân Lập, thôn Trung Mộ; trồng bưởi Diễn, rau sạch, nuôi lợn rừng, lợn hướng nạc, nuôi dê… trên khắp địa bàn. Nhờ những bước đi đột phá nên thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 18,7 triệu đồng năm 2011 lên khoảng 30 triệu đồng năm 2016. Tương tự xã Yên Bình, xã người Mường Đông Xuân (huyện Quốc Oai) cũng hoàn thành và cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Kết quả nổi bật nhất là thu nhập bình quân đầu người thời điểm này ở Đông Xuân đã tăng gấp đôi so với năm 2012, lên hơn 33 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm xuống còn 15 hộ. Theo ông Bùi Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, các tuyến đường, cây cầu được xây dựng, bên cạnh giúp người dân đi lại thuận tiện còn tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa, phát triển thương mại, dịch vụ tốt hơn...
Để tiếp tục nâng cao đời sống người dân khu vực miền núi, theo Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 ban hành tháng 7-2016, TP Hà Nội dự kiến tiếp tục đầu tư 227 chương trình, công trình tại 14 xã miền núi trên địa bàn, với tổng nguồn vốn 2.324 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc thành phố, trong năm 2016, các công trình thiết yếu dân sinh như nhà văn hóa, công trình nước sạch, trường học… trên địa bàn các xã miền núi tiếp tục được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm đầu tư và từng bước đưa vào sử dụng hiệu quả. Nhờ vậy, đời sống người Mường, người Dao ở vùng miền núi đang từng ngày thay da đổi thịt. Trong năm 2017, ngoài việc tiếp tục thực hiện các đề án, dự án, chương trình theo Kế hoạch 138 của UBND thành phố, Ban Dân tộc thành phố phối hợp với các địa phương thực hiện 2 tiểu đề án xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc Dao là chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng mô hình phát triển sản xuất và chế biến một số cây thuốc có giá trị phục vụ nhu cầu chữa bệnh và tăng thu nhập cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.