Xã hội

Rút BHXH một lần: Cần hài hòa nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ

Tiến Thành - Bảo Hân 02/11/2023 - 19:00

Thảo luận tại tổ, chiều 2-11, về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành bổ sung nhiều quy định mang tính nhân văn, đồng thời tập trung trao đổi về nội dung còn gây tranh luận là quy định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

890396d8f79921c77888.jpg
Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ, chiều 2-11. Ảnh: Như Ý

Mở rộng đối tượng nhưng cần nghiên cứu mức đóng

Góp ý về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện theo quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) kiến nghị đưa toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh, bao gồm cả đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh, vào diện tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.

“Tuy nhiên, cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh. Theo quy định về mức đóng BHXH bắt buộc, đối với các đối tượng lao động thông thường, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%, tổng là 25%.

bb2cbfa3eae33cbd65f2.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Như Ý.

“Theo quy định tại Khoản 3 Điều 39, đối tượng chủ hộ kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh phải đóng toàn bộ 25%. Tôi cho rằng, cần đánh giá tác động xã hội của quy định này vì đối tượng tác động lớn, nhiều đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, trong khi đây hoàn toàn có thể là đối tượng khuyến khích tham gia bảo hiểm tự nguyện, nên nghiên cứu mức đóng cho phù hợp”, đại biểu kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu, những người được hưởng thu nhập mang tính chất như tiền lương thì đều phải đưa vào các đối tượng mua BHXH.

“Về đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện, có vẻ là trong nhiều năm qua, chúng ta mở rộng không được nhiều lắm nhưng chính đối tượng này rất cần thu hút. Nên có phương thức đóng góp linh hoạt cho họ, có thể đóng một lần, hoặc 2-3 năm một lần…”, đại biểu kiến nghị.

d2602cf8a2b974e72da8-1-.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Như Ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần xem xét lại đối tượng là "chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh)" và "người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương”. Lý giải quan điểm, đại biểu cho rằng, những đối tượng này không phát sinh quan hệ lao động, không hưởng lương nên không có căn cứ tham gia BHXH bắt buộc; cần khuyến khích các đối tượng này tham gia BHXH thì phù hợp hơn.

Tiếp tục đánh giá kỹ nguyên nhân rút BHXH một lần

Thảo luận về quy định rút BHXH một lần, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án 2 của Điểm đ tại Điều 77 dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.

“Chúng ta không khuyến khích việc rút bảo hiểm một lần. Tất nhiên, người dân đóng vào thì có quyền được rút ra, nhưng là hưởng phần 8% đã đóng, và phải trừ đi chi phí quản lý. Phần còn lại do doanh nghiệp, người sử dụng lao động đóng thì sẽ đưa vào để trở thành quỹ trợ cấp hưu trí”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu giải pháp.

d9180dfd30bce6e2bfad.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Văn Thăng. Ảnh: Mai Hữu.

Cùng về nội dung này, đại biểu Dương Văn Thăng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) lựa chọn phương án 1 của dự thảo Luật. Đại biểu cho rằng, việc quy định rút 50%, 50% còn lại vẫn được bảo lưu sẽ giải quyết được hài hòa quyền lợi trước mắt và bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Người tham gia BHXH tiếp tục được tham gia tích lũy sau khi quay trở lại đóng BHXH, có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu trí.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) bày tỏ quan điểm thiên về bảo đảm lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân. Đại biểu cho biết, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của Đảng đã chỉ rõ: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.

“Do đó, các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như trong dự thảo Luật là rất cần thiết và hợp lý, nhân văn, như giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm hay hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng...”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

8a959a83a4c2729c2bd3.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ. Ảnh: Mai Hữu.

Ngược lại với các quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với phương án người có nhu cầu, đủ điều kiện thì được nhận BHXH một lần. Để hài hòa giữa hai phương án, đại biểu cũng đề xuất phương án người có nhu cầu, có thể rút phần đóng góp của mình, đối với phần người sử dụng lao động đóng góp vẫn sẽ được giữ lại để tiếp tục tính toán tham gia trở lại BHXH.

“Để tránh gây ‘sốc’ về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội, đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân của việc rút BHXH một lần, từ đó hoàn thiện các chính sách có liên quan theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH”, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, ngày 23-11, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút BHXH một lần: Cần hài hòa nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.