Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rượu rắn Việt Nam khiến người phương Tây rùng mình

Mai Chi| 18/11/2015 17:01

(HNMO) - Lần đầu tiên Eddie Lin nếm thử rượu rắn là khoảng 16 năm về trước, khi một người bạn của anh mua loại rượu này từ cửa hàng đồ khô ở trung tâm Hông Kông. Những con rắn hổ mang bên trong chai trông như đang chờ chực để phóng ra tấn công bất cứ lúc nào.

(Ảnh: Andy Krakowski)


Eddie Lin là tác giả của ấn phẩm “Bữa ăn thử thách”, đồng thời cũng là người sáng lập blog ẩm thực nổi tiếng Deep End Dinning - chuyên giới thiệu những món ăn kỳ là nhất thế giới. Theo Eddie, “dung dịch” mà anh nếm thử có hương vị rất dễ cảm nhận: Rượu trắng với một chút protein, như vị tanh của gà”. Thứ mà Eddie thử chỉ đơn thuần là rắn ngâm với rượu. Tuy nhiên, món đồ uống này thường bao gồm các loại thảo mộc và gia vị như nhân sâm, kỷ tử để làm tăng hương vị.

Đông y từ lâu đã biến đến công dụng thần kỳ của loài rắn trong việc phục hồi cơ thể, điều trị rụng tóc, đau lưng và thấp khớp. Đây là lý do khiến các món ăn chế biến từ rắn rất phổ biến ở các nước châu Á, tiêu biểu là súp rắn – một món ăn Quảng Đông với thành phần gồm nước dùng cay, thịt gà, bào ngư, nấm, thịt lợn, gừng và tất nhiên là thịt rắn.

Và đó cũng chính là lý do khiến một số người thậm chí còn nghĩ ra cách cắt đầu rắn để máu chảy vào ly hoặc uống rượu pha máu và mật rắn.

Tuy nhiên, cách làm phổ biến nhất để tận dụng tất cả “chất bổ” của rắn là thả toàn bộ con rắn độc – có thể vẫn còn sống – vào trong một bình đựng rượu. Rắn sẽ được ngâm ít nhất vài tháng để ethanol trong rượu hấp thụ và phá vỡ nọc độc của chúng.

Một người chuyên chế biến rượu rắn tại Trung Quốc "khoe" thành quả của mình. (Ảnh: Peter Parks)

Rượu rắn rất phổ biến ở các nước Đông Nam Á và thường được bán tại các quầy hàng và trung tâm mua sắm, nơi tập trung nhiều khách du lịch. Những bình rượu ngâm rắn hổ mang và những loài bò sát khác vô cùng nổi bật và thu hút ánh nhìn của hầu hết những người đi ngang qua.

Tuy vậy, liệu du khách cảm thấy thế nào về truyền thống này?

Theo một nghiên cứu của đại học Sydney vào năm 2010, mặc dù rượu rắn đã tồn tại ở châu Á trong nhiều thế kỷ qua, đây chỉ được coi là một sản phẩm thương mại và phát triển với tốc độ đáng ngạc nhiên kể từ khi khu vực Đông Nam Á tiến hành mở cửa.

Những người đàn ông thưởng thức rượu rắn tại một nhà hàng ở Việt Nam. (Ảnh; Tristan Savatier)


Tháng 8/2015, một đoạn video ghi lại cảnh một con rắn sống bị nhồi vào một chai lớn để ngâm rượu đã được đăng tải lên You Tube và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Người xem không khỏi rùng mình khi chứng kiến con vật thoi thóp và trút hơi thở cuối cùng.

Tại chợ đêm Huaxi của Đài Bắc (còn được biết đến với tên gọi ngõ rắn), ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những quán hàng rong xẻ bụng rắn và rót đầy máu vào chiếc ly đựng rượu trước mặt thực khách. Đâu đó có những ánh mắt kinh hãi, tìm cách lảng tránh và coi đó như một trò man rợ.

"Ngõ rắn" ở Đài Bắc. (Ảnh: LWYang)


Tuy rất hiếm gặp, nhưng cũng đã có trường hợp những con rắn có thể sống sót dù bị ngâm trong chai hàng tháng trời. Năm 2013, một người phụ nữ sống tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc đã bị một con rắn ngâm 3 tháng trong chai rượu phóng ra và cắn vào tay. Bình rượu này do cô tự ngâm theo lời khuyên của một người bạn với mong muốn giúp giảm đau và chữa căn bệnh thấp khớp.

Những bình rượu ngâm bày trên giá tại một cửa hàng ở Hà Nội. (Ảnh: Blickwinkel)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rượu rắn Việt Nam khiến người phương Tây rùng mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.