Sức khỏe

Rước bệnh vì thói quen ăn tái

Bảo Ngọc 15/07/2023 - 10:55

Nhiều món ăn từ thịt tái được yêu thích, như nem chua, dê tái chanh, bít tết 5 phần chín, phở bò tái... Tuy nhiên, thói quen ăn các loại thịt tái có thể gây nguy hiểm, khiến người ăn bị nhiễm sán hoặc ấu trùng sán.

nem-chua-an-tho-hai-phong-l.jpg
Thói quen ăn các loại thịt tái có thể gây nguy hiểm, khiến người ăn bị nhiễm sán hoặc ấu trùng sán. Ảnh: An Thọ

Nuôi ký sinh trùng trong cơ thể vì thường xuyên ăn thịt tái

Nhiều bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân do thường xuyên ăn các món thịt tái mà nhiễm sán. Mới đây, bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) đã tiếp nhận một nam giới 30 tuổi, quê Nam Định nhập viện vì hoa mắt, đau đầu, từng bị ngất.

Bệnh nhân chia sẻ rằng, ban đầu, khi bị hoa mắt, mệt mỏi, anh nghĩ nguyên nhân do áp lực công việc quá lớn nên ảnh hưởng tới mắt. Tuy nhiên, dù đã khám mắt ở hai bệnh viện nhưng bác sĩ không phát hiện ra nguyên nhân khiến anh bị suy giảm thị lực. Sau một tuần điều trị ở bệnh viện tuyến huyện không khỏi, bác sĩ chỉ định bệnh nhân chụp cộng hưởng từ và nghi ngờ anh có ổ sán trên não. Bệnh nhân được giới thiệu tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội). Theo kết quả chụp X-quang, các bác sĩ xác định người này bị nhiễm ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương. Phim chụp cho thấy có nhiều nang sán rải rác trong não. Nguyên nhân do bệnh nhân thường xuyên ăn các loại thịt lợn tái, tiết canh.

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh viện đã điều trị một số ca bệnh sán não, chủ yếu là người có sở thích ăn các đồ tái, đồ sống như thịt sống, nem chạo, nem thính, tiết canh. Khi ăn những món này, bệnh nhân vô tình "rước" vào người ấu trùng sán lợn, ấu trùng di chuyển đến nhiều bộ phận trên cơ thể như các cơ, mắt, não và sẽ hóa thành nang.

Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ có những u nhỏ, chắc, kích thước 1 - 2cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể làm tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, co giật, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ, đau đầu.

Bệnh ấu trùng sán lây qua đường ăn uống

Bệnh ấu trùng sán lợn, sán dây bò là một bệnh ký sinh trùng hay gặp ở những người có thói quen ăn thức ăn chưa chín hoặc sống. Ấu trùng sán lợn thể thần kinh, não là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Hơn thế, bệnh lại dễ bị chẩn đoán nhầm, khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn.

Khi nhiễm, ấu trùng sán lợn sẽ chui qua thành ruột vào hệ tuần hoàn, đi khắp cơ thể và ký sinh ở não. Có những trường hợp, nang sán ký sinh ở cơ mà người dân hay gọi là sán cơ.

Sán cơ có các u cục nổi dưới da như hạt ngô, hạt đậu tương, khi ấn vào thấy căng và đàn hồi, chìm trong cơ. Sán dây lợn có thể tạo thành các ổ tổn thương trong cơ, trong não, có thể gây viêm và làm tăng áp lực nội sọ trên não... Bệnh nhân mắc ấu trùng sán dây lợn có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, co giật, nhiều người có biểu hiện kích thích, có trường hợp có dấu hiệu kích động như tâm thần.

Bác sĩ Trần Huy Thọ cho biết, để khẳng định chắc chắn là bệnh nhân nhiễm sán dây bò hay sán dây lợn thì bắt buộc phải xét nghiệm sinh học phân tử để xác định loài.

"Sán dây bò ít có nguy cơ gây tổn thương lên não như sán dây lợn. Với sán dây bò, khi được chẩn đoán xác định thì chỉ cần dùng một liều thuốc đặc hiệu điều trị là bệnh ổn định, nhưng vẫn có thể nhiễm lại nếu chúng ta duy trì thói quen ăn thịt bò tái" - bác sĩ Trần Huy Thọ nói.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, để phòng ngừa các bệnh nhiễm ấu trùng sán, người dân nên định kỳ tẩy giun để bảo vệ sức khỏe bởi thời tiết nhiệt đới ở Việt Nam là điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng phát triển. Biện pháp phòng bệnh là ăn thịt chín, hạn chế ăn tiết canh và các món tái, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rước bệnh vì thói quen ăn tái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.