(HNM) - Không khí lạnh tăng cường vừa tràn xuống Hà Nội, nhưng đêm qua 24-12, hàng vạn đồng bào Công giáo và người dân Thủ đô đã hòa trong không khí vô cùng rực rỡ và ấm áp của lễ Giáng sinh năm 2011.
Nhân dân Thủ đô nô nức đón Giáng sinh. Ảnh: Bá Hoạt
Giáng sinh ấm áp
Từ hơn một tuần nay, Giuse Cát Văn Vượng, Trưởng ban Hành giáo họ giáo Phú Mai, phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) và hơn 100 nhân danh của giáo họ đã chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh. Với người Công giáo, đây là buổi lễ trọng trong cả năm nên gia đình nào cũng cử người tham gia dọn dẹp nhà thờ họ giáo, vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ phố sạch sẽ. Riêng nhà ông Trưởng ban Hành giáo đã dựng một hang đá thật to để mừng Chúa giáng sinh. Ông Vượng cho biết, không chỉ với người Công giáo, từ lâu Lễ Giáng sinh đã trở thành lễ hội chung để người dân xứ Đoài gửi gắm ước nguyện và khẳng định quyết tâm đoàn kết cùng xây dựng cuộc sống an bình, hạnh phúc. Năm nay, bà con càng vui mừng hơn khi Họ giáo vừa được UBND thị xã Sơn Tây công nhận "Họ giáo tiên tiến", không có người mắc tệ nạn xã hội, không còn hộ nghèo.
Linh mục Nguyễn Khắc Quế, chính xứ Thạch Bích, Bích Hòa (huyện Thanh Oai) chia sẻ, mùa Giáng sinh là dịp dạy con người ta hướng tới cái thiện, lòng nhân ái, bao dung, có những hành động thiết thực như quan tâm người nghèo, người cô đơn, không nơi nương tựa, các hộ khó khăn. Dịp này, cá nhân ông đã tặng 110 suất quà cho các hộ lương, giáo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Một xã đông dân cư như Bích Hòa với trên 70% hộ đồng bào Công giáo nhưng người dân nơi đây luôn đoàn kết gắn bó, sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến các gia đình chính sách, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ bằng nhiều nguồn lực để xây sửa nhà dột nát, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao mức sống cho nhân dân trên địa bàn. Năm qua, gần 14.000 người Công giáo sống tại 17 xã, thị trấn của huyện Thanh Oai đã phát huy truyền thống "kính chúa, yêu nước", tích cực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất. Trên các xứ đạo như Từ Châu, Thạch Bích… xuất hiện ngày càng nhiều hộ Công giáo đi đầu chuyển đổi canh tác, xây dựng trang trại lúa - cá - vịt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo ghi nhận của cộng tác viên Báo Hànộimới, từ Sơn Tây, Thanh Oai, Phú Xuyên, Đan Phượng, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Đức… đến Mê Linh, Sóc Sơn, những hoạt động đón mừng Noel ở các huyện, thị xã đều vui tươi, đầm ấm. Người dân các địa phương, không chỉ có các bạn trẻ, đã chia sẻ niềm vui với đồng bào Công giáo.
Tưng bừng lễ hội
Không khí Lễ hội Noel đã tràn ngập khắp Hà Nội từ nhiều ngày nay với sắc màu trang trí cực kỳ ấn tượng của các cửa hàng trên khắp các tuyến phố, người lớn tất tả chuẩn bị quà cho trẻ nhỏ, hình ảnh ông già Noel xuất hiện khắp nơi… Hôm qua 24-12, trong thời khắc chờ đợi Thiên chúa Giáng sinh, không khí lễ hội càng bừng lên rạng rỡ khắp phố phường Thủ đô. Dòng người xe dồn về khu vực trung tâm, những địa điểm vui chơi, mua sắm càng về đêm càng đông hơn.
Chen trong dòng người đến hồ Hoàn Kiếm, hai bạn trẻ Đăng - Nga lộ rõ vẻ phấn chấn: "Chúng em đã nghĩ rằng sẽ rất đông, không ngờ lại đông đến thế. Nhưng rất vui anh ạ". Đăng cho biết, hai bạn ở Vĩnh Phúc và vừa làm đám cưới được khoảng một tháng. Đây là Giáng sinh đầu tiên đi chơi chung với tư cách vợ chồng. Cả Đăng và Nga không theo đạo, nhưng như suy nghĩ của bao người khác, giờ đây Giáng sinh đã mở rộng thêm nhiều ý nghĩa, trở thành một lễ hội cộng đồng hay đơn giản là dịp để mọi người hòa chung niềm vui cuộc sống.
Hồ Hoàn Kiếm và Nhà thờ Lớn Hà Nội là nơi thu hút đông đảo người dân nhất. Trời càng gần thời khắc chuyển giao càng lạnh, nhưng dòng người quần tụ về khu vực này vẫn không ngớt. Tại khu vực xung quanh các nhà thờ nổi tiếng khác trong nội thành như Nhà thờ Hàm Long, Cửa Bắc, Thịnh Liệt, An Thái không khí cũng hết sức rộn ràng, vui tươi. Những con phố bán nhiều quà Giáng sinh như Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Đào, Hàng Ngang… vẫn đông người du ngoạn, ngắm nghía, mua hàng cho đến tận khuya. Trên phố Thủ đô đêm qua, chúng tôi cứ ấn tượng mãi với hình ảnh các bạn trẻ trong những bộ đồ ấm áp thả bộ trên phố ngập tràn ánh sáng từ những cửa hàng hắt ra trên nền cây thông Noel và những bông tuyết trắng.
Giáng sinh an lành
Chia vui với đồng bào Công giáo nhân dịp này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho biết: "Trong thành tích chung của Thủ đô năm 2011 có phần đóng góp rất quan trọng của đồng bào Công giáo. Tôi rất vui mừng khi đa số đồng bào đã thực hiện tốt phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo", "kính Chúa yêu nước". Mong rằng đồng bào sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho Thủ đô và đất nước".
Để đồng bào Công giáo và người dân Thủ đô được hưởng trọn Lễ Giáng sinh 2011 trong an lành, đầm ấm, từ nhiều ngày nay, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, quản lý thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… đặc biệt là quan tâm, chăm lo đời sống cho đồng bào Công giáo nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong niềm vui khi có mặt tại Tòa Giám mục Giáo phận Hưng Hóa (thị xã Sơn Tây), ông Lê Văn Cửu, Trưởng ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) cho biết: TP luôn luôn quan tâm, chăm lo để đồng bào Công giáo Thủ đô được đón mừng Lễ Giáng sinh trong hân hoan hạnh phúc. Năm nay cũng vậy, cùng với những hoạt động cụ thể như chúc mừng, tặng quà các vị chức sắc và đồng bào Công giáo tiêu biểu nhân dịp Lễ Giáng sinh, TP đã xây dựng kế hoạch chu đáo để bảo đảm an toàn, ổn định các dịch vụ công cộng như điện, nước, thông tin liên lạc… và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phục vụ người dân trong dịp này.
TP Hà Nội có hơn 175 nghìn giáo dân, khoảng 35 nghìn hộ sống đan xen, chan hòa trong cộng đồng dân cư. Thực hiện phong trào "Người Công giáo Thủ đô xây dựng gia đình văn hóa", các xứ đạo, họ đạo đã vận động giáo dân đề cao trách nhiệm công dân, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, chia sẻ giúp đỡ những gia đình khó khăn; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của làng xóm. Hằng năm có hơn 90% gia đình Công giáo đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Nhiều xứ đạo tiên tiến giữ vững danh hiệu, nhiều năm không có tệ nạn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.