(HNM) - Thay vì quây quần bên gia đình, nhiều người lại chọn phượt như một cách để
"Tết này, ta lên đường"
Với dân phượt, không gì tuyệt hơn bằng việc khởi động năm mới với những hành trình khám phá. Vì thế, những ngày này, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã í ới rủ nhau "Tết này, ta lên đường". Phượt vào dịp Tết giúp các tín đồ mê bay nhảy khám phá được nhiều điều thú vị hơn về phong tục, tập quán, con người mỗi vùng đất.
Một nhóm bạn trẻ ghi lại những hình ảnh đẹp của mùa hoa cải trắng tại Mộc Châu (Sơn La). |
"Trốn" những cuộc tụ tập, mua sắm triền miên cuối năm, chị Tuyết Nhung, một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Long Biên (Hà Nội), chuẩn bị gói ghém hành lý du xuân. Đích đến của chuyến du ngoạn dài hơn nửa tháng là đón năm mới ở Hà Giang, thăm cao nguyên đá Đồng Văn với đỉnh Lũng Cú, với đèo Mã Pì Lèng và hòa trong sương mù, đào rừng Sapa, Sơn La. Chị Nhung tâm sự, từ thời sinh viên đã thích đi đây đó, ngắm phong cảnh, khám phá sinh hoạt của người dân ở mọi miền Tổ quốc. Nhưng với túi tiền sinh viên eo hẹp nên chị thường tranh thủ du lịch bằng cách theo các bạn về quê vào những dịp nghỉ lễ, nghỉ giữa khóa hoặc kết thúc năm học... Khi đi làm có tiền, tranh thủ mỗi khi có kỳ nghỉ nào đó trong năm, chị lại vác balô lên đường. "Có đi mới thấy đất nước mình thật đẹp, mới ngắm được những cung đường hùng vĩ, gặp những con người hiền hậu. Và có đi, mình mới có thêm được những người bạn. Nó khác hẳn với những chuyến du lịch theo tour hay cùng gia đình, bởi đơn giản, bạn được làm những gì mình thích, đi những nơi mình muốn. Mình vẫn nhớ 3-4 năm trước đến Tây Nguyên, được uống rượu cần, ngắm hoa cà phê nở, ăn Tết cùng bà con dân tộc, thực sự là cái Tết thú vị và đáng nhớ", chị Tuyết Nhung say sưa kể lại kỷ niệm về chuyến phượt "thưởng Tết" của mình.
Mỗi khi nhắc đến "phượt", một loại hình du lịch đang được giới trẻ ưa chuộng, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh những chàng trai, cô gái ăn vận bụi bặm, máy ảnh quàng trước ngực và ba lô trên vai... lang thang vô định. Nhưng, với "dân phượt", những chuyến du lịch "bụi" không chỉ là sự đam mê khám phá mà còn là dịp thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện. Trên diễn đàn Phuot.vn, các bạn trẻ yêu du lịch của nhóm Hà Tây Phượt Hội tâm sự, không ít chuyến phượt của họ nhuốm nỗi buồn về những đôi chân trần trong nắng nóng, những mái nhà xiêu vẹo, những đứa trẻ nhem nhuốc, run rẩy trong giá rét, những người dân không biết chữ ở vùng cao… Chính vì vậy, vào mỗi dịp xuân về, trên nhiều diễn đàn du lịch, dân phượt lại rủ nhau quyên góp tiền hoặc hiện vật (chăn màn, quần áo ấm, sách vở…) để giúp người dân và trẻ em nghèo vùng cao có cái Tết ấm áp hơn.
Phượt thế nào cho an toàn?
Nhìn vào chương trình chuẩn bị du xuân của nhiều nhóm đồng hành trên mạng, có thể thấy tinh thần "tự lập" khá cao. Họ chủ động chuẩn bị lều trại, túi ngủ, đồ ăn, phương tiện di chuyển để sẵn sàng lang thang. Trong những chuyến đi thế này, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu và năng động nhất. Thế nhưng, phương tiện hữu hiệu này cũng là nguyên nhân đem đến không ít rủi ro.
Một "phượt thủ" ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, xe cộ gặp trục trặc trên đường là việc vô cùng bình thường nhưng khi bạn đến một chốn hoang vu và hiếm bóng người thì thực sự là tai họa. Địa hình cũng là một điều dân phượt lo ngại, bởi đèo núi hay sông suối đều có thể trở thành "cái bẫy chết người" bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, để có một chuyến du xuân độc - lạ - tiết kiệm - thoải mái nhất, theo các "tay phượt" lâu năm, ngay từ bây giờ, các phần việc như: kiểm tra, bảo dưỡng xe máy, chia cặp, công tác tiền trạm, liệt kê những vật dụng cần thiết, thu phí... phải được tiến hành. Còn theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty Du lịch Vietravel, những năm gần đây, các thông tin về dịch vụ, nơi tham quan, tư vấn trước chuyến du lịch... xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí, mạng internet. Không cần mua tour qua các đơn vị lữ hành, nhiều người có thể tự tổ chức đi du lịch đến nơi mong muốn. Trong đó, xu hướng du lịch "bụi" hoặc kết nhóm trên các diễn đàn mạng rồi tổ chức đi phượt ngày càng nhiều. Để có được một chuyến đi an toàn, các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ thông tin về điểm đến, từ địa hình, dịch vụ ăn ở đến điều kiện thời tiết, khí hậu; chuẩn bị các phương tiện và thiết bị hỗ trợ như bản đồ, la bàn, GPS.
Một kinh nghiệm nhỏ cũng được người làm du lịch chuyên nghiệp chia sẻ, đó là nên tận dụng đội ngũ thợ chụp ảnh ở các điểm đến làm hướng dẫn viên du lịch. Họ am hiểu tường tận về lịch sử địa phương, sẵn sàng tư vấn nơi tham quan, nhà nghỉ, các dịch vụ... Dân du lịch "bụi" có thể tìm hiểu thông tin qua họ mà chỉ tốn vài chục nghìn đồng cho một vài kiểu ảnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.