(HNM) - Để sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á, cũng như giải quyết các vấn đề dân sinh, hạ tầng đô thị hiện tại, trong giai đoạn 2017-2020 TP Hồ Chí Minh cần thu hút hàng trăm dự án vào hạ tầng đô thị.
Hàng loạt dự án giao thông đang được kêu gọi đầu tư nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên tại TP Hồ Chí Minh. |
Các chương trình ưu tiên chiến lược
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại hai hướng chính là hướng Đông và Nam; hai hướng phụ là Tây Bắc và Tây, Tây - Nam. Để xây dựng theo quy hoạch này, TP Hồ Chí Minh sẽ có các chương trình ưu tiên chiến lược. Theo đó, về xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị có: Khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Nam TP Hồ Chí Minh, Khu đô thị mới Nam Thanh Đa, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Cảng Hiệp Phước - huyện Nhà Bè, khu trung tâm hiện hữu mở rộng. Về giao thông hiện đại, TP Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng 8 tuyến metro (tàu điện ngầm), 3 tuyến xe điện mặt đất và tuyến đường sắt một ray với tổng chiều dài gần 220km.
Về chống ngập và vệ sinh môi trường có: Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm. Các chương trình nhà ở xã hội gồm các khu chung cư: Đông Hưng, 99 Bến Bình Đông, Bàu Cát, Tân Mỹ, Ký túc xá Đại học Bách khoa, Ký túc xá Đại học Quốc gia, khu lưu trú công nhân và nhà ở thu nhập thấp Tân Nhựt, nhà ở công nhân Công ty Giày Huê Phong…
Để thực hiện các chương trình chiến lược này, trong giai đoạn 2017-2020, UBND TP Hồ Chí Minh mời gọi đầu tư 133 dự án, gồm 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong số này, hạ tầng giao thông chiếm nhiều nhất với 73 dự án. Ở các lĩnh vực khác, có 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 7 dự án giảm ngập nước, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 11 dự án giáo dục, 4 dự án thương mại dịch vụ, 3 dự án nông nghiệp,… Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho nhà đầu tư muốn tham gia phát triển dự án.
Đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Hồ Chí Minh 2017 vừa diễn ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các dự án đầu tư mà thành phố đang kêu gọi. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết rất quan tâm tới các dự án phát triển hạ tầng giao thông và xử lý nước thải. Các nhà đầu tư khác của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cũng quan tâm nhiều đến các dự án môi trường y tế, giáo dục… Tuy nhiên hầu hết các nhà đầu tư mong muốn TP Hồ Chí Minh cải thiện hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu công việc…
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, kết cấu hạ tầng đô thị đang được đầu tư, cải tạo và nâng cấp ngày càng đồng bộ. Về nguồn lao động, hiện năng suất lao động của TP Hồ Chí Minh cao nhất cả nước, giai đoạn 2010-2016 cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân chung cả nước. Về đầu tư nước ngoài, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, giai đoạn 2011-2015 có hơn 2.400 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới với tổng vốn đạt 10,36 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2017, giá trị vốn đầu tư nước ngoài tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm đạt 3,29 tỷ USD. Sở dĩ có kết quả tích cực như vậy là nhờ thành phố đã nỗ lực cải cách hành chính và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết trong thời gian tới, để hỗ trợ thông tin cho các nhà đầu tư muốn tìm hiểu đầu tư tại thành phố, ITPC sẽ từng bước ứng dụng công nghệ trong hoạt động xúc tiến đầu tư để nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu các dự án. ITPC cũng sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước với chính quyền TP Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho nhà đầu tư.
Trong mục tiêu phát triển đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh đặt ra các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân từ 8,5%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 56%-58%. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh kêu gọi đầu tư vào hạ tầng đô thị, TP Hồ Chí Minh cũng đang kêu gọi đầu tư vào 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp, gồm: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học - công nghệ; y tế; giáo dục - đào tạo; cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.