Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rộng cánh cửa vào đại học

Thống Nhất| 15/07/2021 06:09

(HNM) - Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, đợt 1 đã khép lại, song với nhiều thí sinh chưa may mắn làm tốt bài hoặc chưa kịp tham dự kỳ thi, cánh cửa vào trường đại học vẫn đang rộng mở. Ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như mọi năm, năm nay, các cơ sở giáo dục đại học áp dụng nhiều phương thức xét tuyển nhằm tăng cơ hội, đồng thời hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Hà Nội áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh để tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất cho học sinh. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyễn Quang

Đa dạng phương thức 

Không chỉ tập trung sử dụng phương thức xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như các năm trước, năm nay, các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Hà Nội còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác. 

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin, năm nay, tổng chỉ tiêu của 12 trường đại học, khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là hơn 11.000 sinh viên. Ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh có thể lựa chọn, đăng ký xét tuyển vào các trường, khoa bằng nhiều phương thức khác như ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng; sử dụng các chứng chỉ quốc tế: A-Level, IELTS; sử dụng hồ sơ năng lực (kết quả học tập bậc trung học phổ thông kết hợp với phỏng vấn, điểm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tú tài). Theo kế hoạch, đơn vị còn xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (với gần 5.900 thí sinh đã đăng ký), song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tạm thời lùi lại. 

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhà trường sử dụng 3 phương thức tuyển sinh, trong đó xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (với khoảng 50% chỉ tiêu), xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng của trường (với khoảng 45% chỉ tiêu), còn lại là xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Riêng với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường đều thông báo sẽ tổ chức xét tuyển nhiều đợt. Đợt một là đợt xét tuyển chính, được thực hiện theo phần mềm tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, các trường tiếp tục xét tuyển các đợt bổ sung, nếu chưa đủ chỉ tiêu. 

Em Nguyễn Phương Chi, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Đây là lợi thế lớn mà chúng em cần tận dụng tối đa để thêm cơ hội vào đại học. Vì vậy, dù việc học tập, thi cử có khó khăn hơn, song em cũng không quá lo lắng”. 

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay, toàn hệ thống dành khoảng 55% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, 45% chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển khác. Việc tổ chức tuyển sinh với nhiều phương thức, nhiều đợt vừa giúp các trường bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn tuyển, vừa giúp thí sinh có nhiều cơ hội. 

Các thí sinh nộp hồ sơ nhập học tại Trường Đại học Mở Hà Nội năm học 2020-2021.

Ưu tiên quyền lợi của thí sinh 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước còn hơn 23.000 thí sinh chưa thể dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động điều chỉnh phương án xét tuyển, với mục tiêu ưu tiên quyền lợi của thí sinh. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, nhà trường luôn đặt quyền lợi của người học lên cao nhất. Để bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường tạm thời lùi thời gian tổ chức bài kiểm tra tư duy (với khoảng 30-40% chỉ tiêu) vào tháng 8-2021. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, không thể triển khai được, nhà trường sẽ dành toàn bộ chỉ tiêu của việc xét tuyển bằng bài kiểm tra tư duy cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông - Vận tải thông tin, nhà trường đã xây dựng phương án xét tuyển công bằng cho mọi thí sinh. Các em dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 hoặc đợt 2 có cơ hội bình đẳng khi tham gia xét tuyển vào trường. Trước mắt, nhà trường xây dựng phương án xét tuyển một lần, sau khi kết thúc hai đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong trường hợp kỳ thi đợt 2 diễn ra muộn, nhà trường sẽ dành tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp cho thí sinh dự thi đợt 2. 

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, dự kiến, lịch xét tuyển đại học đợt 1 diễn ra từ ngày 20-8-2021, song do ảnh hưởng của dịch, Bộ sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển để các nhà trường có thể xét tuyển chung từ kết quả của hai đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong trường hợp không thể tổ chức xét tuyển chung, Bộ sẽ hướng dẫn các trường có phương án xét tuyển bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng tới kế hoạch năm học 2021-2022. 

“Trước mắt, Bộ yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tổ chức chấm thi nghiêm túc, an toàn, đúng tiến độ, công bố kết quả thi vào ngày 26-7-2021; đồng thời rà soát số lượng thí sinh có nguyện vọng tham dự kỳ thi đợt 2, đề xuất Bộ phương án tổ chức. Các sở giáo dục và đào tạo cũng cần thông tin đầy đủ, chính xác về điểm mới trong Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm nay để thí sinh nắm rõ, tận dụng tối đa cơ hội, nhất là với thí sinh có kết quả thi chưa như mong muốn...”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rộng cánh cửa vào đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.