Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rộn ràng Tết Độc lập

Minh Ngọc| 04/09/2011 06:16

(HNM) - Ngày Quốc khánh 2-9 của mùa Thu thứ 66 sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mọi ngả đường của Thủ đô tràn ngập sắc đỏ màu cờ, trong sắc vàng sóng sánh của nắng mùa Thu. Người người trầm mặc, kính cẩn vào Lăng viếng Bác, tất thảy như lắng lại trong không khí trang nghiêm và rồi mọi người dân nước Việt như xích lại gần nhau, ấm áp, chan hòa trong ngày Tết Độc lập.


Lắng đọng Ba Đình

Sáng sớm ngày 2-9, Hà Nội chớm thu, không ai bảo ai, cũng chẳng cần hẹn trước, rất nhiều người đến Quảng trường Ba Đình lịch sử, kính cẩn trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phố Hàng Trống trong ngày Quốc khánh. Ảnh: Hồ Ý


6h kém 5 phút, khi đội tiêu binh oai nghiêm xuất hiện, sải đều bước trong tiếng nhạc "Tiến bước dưới Quân kỳ" cả một khoảng không gian mênh mông của Quảng trường Ba Đình lắng trong im lặng, chỉ còn nhịp thở của đất trời, của những giai điệu lịch sử, của lòng người ngân lên như một bài ca yêu nước không nhạc, không lời. Khi tiếng hô "Chào cờ… chào" trang nghiêm cất lên, lá cờ đỏ sao vàng rộng 24 mét vuông từ từ được kéo lên, tung bay trong nắng sớm mùa thu thì cũng là lúc "Quốc ca" ngân vang mang hồn núi sông lắng ngàn năm lịch sử vọng về thực tại.

Sau nghi lễ Thượng cờ trang nghiêm, dòng người về Lăng viếng Bác mỗi lúc một đông. 7h, tại cổng vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường Ngọc Hà đã có hàng nghìn người xếp hàng dài. Mỗi người một miền quê, lứa tuổi, nhưng tất cả đều háo hức, xúc động và tự hào khi được đứng tại địa danh mà 66 năm trước Bác Hồ đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập". Vượt qua chặng đường gần 2.000km, lần đầu tiên được vào Lăng viếng Bác, bà Võ Thị Thanh, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tâm sự: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam tình cảm rất đặc biệt. Khi Người ra đi, hai miền đất nước vẫn còn chia cắt khiến Bác day dứt khôn nguôi. Tôi cũng như rất nhiều đồng bào miền Nam ra viếng Bác với mong muốn ở một nơi xa Bác biết rằng đồng bào hai miền nay đã được sống trong no ấm, hạnh phúc". Còn cháu Lê Hoàng Ân (12 tuổi), thế hệ măng non của vùng chiến khu cách mạng Tân Trào, Tuyên Quang phấn khởi: "Vào Lăng viếng Bác, xem các đoạn phim tư liệu về ngày 2-9-1945 chiếu trên những chiếc ti vi cỡ lớn dọc đường vào Lăng, cháu hiểu hơn công lao to lớn của Bác, hiểu hơn ý nghĩa của ngày Quốc khánh. Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để xứng đáng với sự tin tưởng của Bác Hồ đối với thế hệ thiếu niên Việt Nam".

Để phục vụ hơn 3 vạn lượt người vào Lăng viếng Bác một cách tốt nhất, trong suốt ngày 2-9, tại các khu vực xung quanh Quảng trường Ba Đình như ngã tư Lê Hồng Phong - Chu Văn An, Hùng Vương, Ngọc Hà - Đội Cấn, các lực lượng chức năng cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ liên tục cắt cử cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự và ngăn ngừa ách tắc giao thông.

Rộn ràng muôn nẻo

Khác với không khí trang nghiêm ở Quảng trường Ba Đình, khắp các nẻo đường, góc phố của Thủ đô đông vui như hội.

Thong thả dạo phố. Ảnh: Linh Tâm


Hồ Hoàn Kiếm rực đỏ trong sắc cờ, đằm thắm trong sắc hoa. Nam thanh nữ tú thư thả dạo chơi và chụp ảnh lưu niệm. Cạnh đó, ở sân khấu 16 Lê Thái Tổ, các diễn viên không chuyên của Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm thể hiện niềm hạnh phúc được sống trong hòa bình, độc lập, tự do qua những ca khúc ngợi ca Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước như: "Đảng đã cho ta niềm tin và hy vọng", "Bác Hồ một tình yêu bao la"… Công viên Thủ Lệ đông gấp đôi gấp ba ngày thường, bãi xe không còn chỗ trống, các trò vui chơi quá tải. Mặc dù vậy ai nấy đều hớn hở, hân hoan. Chị Nguyễn Thị Yến đến từ xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái) chia sẻ: "Tôi phải sắp xếp từ nhiều tuần trước mới có thể đưa con xuống Hà Nội chơi ngày 2-9. Bọn trẻ rất háo hức khi được đi tham quan Thủ đô, được vào vườn thú để tận mắt nhìn thấy những con vật mà thường ngày chỉ có trên… ti vi". Tình trạng quá tải cũng diễn ra tại Công viên Nước Hồ Tây khi ở đây có chương trình ca nhạc tạp kỹ với những màn hoạt náo độc đáo, vui nhộn, lạ mắt; có chương trình nghệ thuật tái hiện các câu chuyện cổ tích nổi tiếng như "Alibaba và 40 tên cướp", "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn", "Nàng tiên cá"...

Rời trung tâm thành phố về ngoại ô, đâu đâu cũng gặp những sân khấu rộn rã lời ca, nét nhạc. Thị xã Sơn Tây đón Đoàn ca nhạc Tăng Thiết giáp về biểu diễn phục vụ nhân dân ở Vườn hoa Lê Lợi. Hầu hết các xã, phường trên địa bàn thị xã cũng có đêm văn nghệ chào mừng. Người dân huyện Mỹ Đức được "đổi món" bằng trích đoạn chèo "Thầy đồ dạy học" vui tươi, hóm hỉnh nhưng không kém phần sâu sắc cùng nhiều tiết mục ca múa nhạc dân gian do các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Nam biểu diễn… Làn điệu chèo của làng Nhân Vực, xã Văn Nhân và tiểu khu Đông Đoài (thị trấn Phú Xuyên) của huyện Phú Xuyên như trong trẻo, mượt mà hơn trong ngày Quốc khánh…

Một tiết mục văn nghệ do nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn tại sân khấu đền Bà Kiệu tối 3-9. Ảnh: Linh Tâm

Độc đáo vùng quê ăn Tết Độc lập

Riêng người dân xã Phú Cường (Ba Vì)  lại ở nhà ăn tết, chơi tết và chúc tết. Xã có 1.385 gia đình thì chừng ấy gia đình đón Tết Độc lập, làm giỗ Bác Hồ to như Tết Nguyên đán. Từ ngày 1-9, các mẹ, các chị tất bật gói bánh chưng, bánh nếp, dọn dẹp nhà cửa. Ngày Quốc khánh, nhà nhà sắp mâm cơm cùng bánh trái, hoa quả bày lên bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ Bác Hồ, rồi đại diện gia đình dâng nén tâm hương xin anh linh Người, xin tổ tiên phù hộ cho con cháu có sức khỏe, cho gia đình được hạnh phúc, cho làng xã được ấm no, cho quê hương, đất nước luôn được hòa bình, độc tập, tự do. Trong dịp này, những người con của Phú Cường dù sinh sống ở đâu cũng cố gắng thu xếp công việc về bên gia đình đón Tết, ai không về được thì tiến hành các nghi lễ tương tự ở nơi mình sinh sống nhằm duy trì nét đẹp truyền thống của quê hương.

Nói về cái tết đặc biệt này, ông Vũ Anh Tân, Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Cường cho biết: "Mỗi năm người dân Phú Cường có hai cái tết to là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập. Tết Độc lập được duy trì từ năm 1946 đến nay, chưa bao giờ gián đoạn, kể cả những năm chiến tranh ác liệt nhất. Từ khi Bác Hồ mất, ngày Tết này còn có thêm ý nghĩa là ngày giỗ Người. Rất nhiều gia đình trong xã treo ảnh Bác ở vị trí trang trọng và thắp hương tưởng nhớ công ơn Bác trong những ngày lễ, tết. Đó là nét đẹp văn hóa đã, đang và sẽ được chính quyền và nhân dân Phú Cường gìn giữ, phát huy".

Hòa mình vào không khí ngày Quốc khánh 2-9 ở Thủ đô Hà Nội lòng người rộn rã, tự hào như lời thơ của Nguyễn Đình Thi: "Mùa thu nay khác rồi. Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi. Gió thổi rừng tre phấp phới. Trời thu thay áo mới. Trong biếc nói cười thiết tha!".
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rộn ràng Tết Độc lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.