(HNMO) - Diễn ra ngày 12-2 (tức mùng 8 tháng Giêng), lễ hội thổi cơm làng Thị Cấm (nay thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được người dân địa phương duy trì từ bao đời nay.
Đúng 10h45, Ban tổ chức lễ hội làng Thị Cấm tiến hành kiểm tra nguyên vật liệu phục vụ cho hội thi thổi cơm.
Theo ông Quyên, lễ Thành hoàng làng xong, cơm sẽ được chia cho dân làng để cầu mong một năm no đủ, an lành.
Bô lão làng Thị Cấm tìm niêu cơm của các đội để chấm điểm. Các bô lão căn cứ vào mùi thơm, độ trắng và độ dẻo để chọn ra niêu cơm ngon nhất.
Hội làng Thị Cấm được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của tướng Phan Tây Nhạc. Ông là một vị tướng văn võ song toàn dưới thời vua Hùng thứ 18, từng đóng quân ở làng Thị Cấm.
Tại vùng đất này, ông thường xuyên tổ chức thổi cơm thi để tìm người hậu cần giỏi, nhằm phục vụ cho đánh trận. Sau khi ông mất, người dân địa phương tôn ông làm Thành hoàng làng.
Theo truyền thống, có 4 đội tham gia thổi cơm thi tương ứng với 4 giáp, mỗi giáp mặc một trang phục khác nhau. Thổi cơm thi chia thành 3 phần: Chạy lấy nước, kéo lửa, thổi cơm; trong đó, phần thổi cơm là quan trọng nhất.
Bà Nguyễn Thị Hà (người tham gia thổi cơm) phấn khởi cho biết: “Tôi rất vui, hãnh diện khi nhiều năm được chọn vào đội thổi cơm của tổ dân phố. Đội tôi vừa chiến thắng trong phần thi kéo lửa nên có cơ hội lớn để giành giải nhất lễ hội năm nay”.
Theo bà Hà, để có một niêu cơm ngon, khi giã gạo phải rung cối đều tay, tránh để gạo bị nát, rồi sàng kỹ, vo gạo thật trắng.
Người được lựa chọn tham gia thi thổi cơm phải là người khéo tay, có phẩm chất đạo đức tốt tại địa phương.
Bà Vũ Thị Hợi (phường Xuân Phương) chia sẻ: “Tôi đã ngoài 80 tuổi, nhưng năm nào cũng có mặt ở lễ hội để cổ vũ cho con cháu. Lễ hội thổi cơm thi là món ăn tinh thần không thể thiếu của dân làng tôi trong dịp đầu xuân năm mới”.
Ông Vũ Đăng Quyên (thành viên ban tổ chức) cho biết: “Lễ hội thổi cơm làng Thị Cấm được người dân địa phương duy trì từ bao đời nay. Cơm sau khi chín, được ban tổ chức chấm điểm và dâng lên Thành hoàng làng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.