(HNM) - Rối nước, từ lâu vẫn là "đặc sản" nghệ thuật của Việt Nam. Bất cứ người dân Việt nào cũng ước ao một lần được thưởng thức, bất cứ người nước ngoài nào xem rồi cũng mê đắm. Chẳng thế mà chuyến lưu diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam đến Áo và Slovakia từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 vừa qua ăm ắp kỷ niệm với nghệ sĩ và khán giả.
Không phải lần đầu rối nước của ta ra nước ngoài biểu diễn và được xưng tụng. Nhưng với 16 thành viên của Nhà hát Múa rối Việt Nam, chuyến lên đường sang Áo và Slovakia vừa qua thật đặc biệt. Bởi lần đầu tiên, một đơn vị nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam được biểu diễn tại Cung điện mùa hè (Lâu đài Schonbrunn, Thủ đô Vienna, Áo) rất trang trọng, nơi chỉ dành cho các buổi hòa nhạc của Áo và các nước Châu Âu. Đặc biệt hơn nữa, các nghệ sĩ đã trình diễn 16 trò rối cổ như Tễu, Múa rồng, Múa phượng, Lân tranh cầu, Múa bát tiên, Đánh cá… để thỏa lòng bà con xa xứ.
Hành trình bay hai mươi giờ đồng hồ với sự chênh lệch múi giờ không làm nản lòng các thành viên trong đoàn. Đến Thủ đô Bratislava của Slovakia, ngay lập tức họ bắt tay vào chuẩn bị sân khấu. Phải là người trong nghề mới hiểu được cực nhọc của việc dựng một sân khấu nước với khối lượng thiết bị lên đến 1 tấn rưỡi. Hơn nữa tiêu chuẩn nước ít ra phải ngập đến ngang hông nghệ sĩ mới diễn được, "nhưng sân khấu của họ nhiều tầng, chứ không phải nền đất như mình nên không thể chịu được khối lượng nước quá lớn. Chúng tôi chỉ làm được mức nước cao 50 cm. Diễn viên phải quỳ và di chuyển bằng đầu gối khi diễn", nghệ sĩ Đỗ Thị Kha kể. Bốn buổi diễn tại Slovakia có đến hàng nghìn lượt khán giả đến xem, cả khách quốc tế, bà con Việt kiều. Nhiều nhất là các cháu thiếu nhi, những bạn nhỏ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Khán giả reo hò nồng nhiệt.
Điểm diễn tiếp theo là tại Cung điện mùa hè ở Vienna - nơi người Việt lần đầu tiên được đứng trên sân khấu này... 6 buổi diễn chật đầy khán giả, cả du khách nước ngoài đến tham quan cung điện, cả người dân Áo. Họ ngạc nhiên, trầm trồ trước một sân khấu bắt mắt, một trò rối lạ lẫm, sôi động. Hai buổi diễn trong Nhà hát Palais Kabelwerk của Vienna dành cho cộng đồng người Việt, các cháu thiếu nhi và đại sứ các nước trên thế giới mới thật nhiều xúc cảm. Không khán giả nào muốn về dù đoàn đã ra chào nhiều lần, tiếng vỗ tay không ngớt, những lời cảm ơn, bắt tay lưu luyến cùng nhiều lời mời đến đất nước khác trình diễn... Tháng 6, Slovakia và Áo vẫn lạnh, nhiều hôm gió giật ầm ào, các nghệ sĩ vẫn hăng say "múa" trong sự nồng nhiệt của khán giả. "Kết thúc mỗi buổi diễn khán giả nước bạn hay nán lại để chúc mừng, cảm ơn. Họ còn tìm hiểu và xem xét rất kỹ về môn nghệ thuật này của nước ta. Có người sờ tay vào nước, giật mình cảm phục vì đoàn diễn tưng bừng, hấp dẫn thế cho dù nước lạnh cóng", Giám đốc Nhà hát Ngô Thanh Thủy, trưởng đoàn lưu diễn kể.
Còn nhớ vở diễn "Người thầy của những con rối" do nghệ sĩ của Nhà hát múa rối Việt Nam thực hiện tại Pháp dưới bàn tay đạo diễn Dominique Pitoise (Nhà hát quốc gia Bordeaux) ra mắt hồi tháng 1 làm nức lòng bao khán giả tại 11 thành phố của nước bạn. Rối nước của ta cho dù dưới hình thức truyền thống hay biến tấu hiện đại thì vẫn hấp dẫn và trở thành "món lạ" với bạn bè quốc tế. Như một du khách từng nói với Giám đốc Ngô Thanh Thủy: "Hãy tự hào về rối nước của các bạn. Ai đã một lần xem rồi sẽ nhìn về người Việt Nam rất khác". Chuyến lưu diễn ngắn ngày nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Áo ấy đã thành công vượt ngoài mong đợi. Anh chị em trong đoàn không ai cảm thấy mệt mỏi dù lịch diễn dày đặc, dù phải dựng và dỡ sân khấu liên tục. Được giới thiệu văn hóa truyền thống tới bạn bè quốc tế, được biểu diễn phục vụ thỏa nỗi nhớ nhà của bà con xa xứ và lại được đón nhận nồng nhiệt là hạnh phúc và nguồn động viên không nhỏ với những người làm nghề "giấu mặt" này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.