Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rơi nước mắt với chuyện nữ nhà báo nguyện hiến thân mình cho y học

Theo soha| 03/06/2016 16:54

Mẹ ơi, con đăng ký hiến mô, tạng”, đó là tiêu đề status đang gây sốt trên FB của nữ nhà báo Nguyễn Thùy Linh, báo VTC News. Ít ngày nữa là đến 21/6, kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam nên đọc những dòng Linh viết, ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ.

Nữ nhà báo Nguyễn Thùy Linh và tấm thẻ đăng ký hiến tạng.


"Thế giới đau thương" của nữ nhà báo có trái tim đa cảm

Tìm số điện thoại, dù công việc quay cuồng nhưng Linh đã cho tôi cái hẹn. Gặp mặt, chuyện trò lòng vòng mới ngã ngửa thì ra bạn học báo chí cùng khóa năm nào. Ra trường, mỗi người theo một mảng nên chẳng có dịp gặp nhau.

Linh sinh năm 1980 ở Hà Nội. Con gái tên Linh thường cứng đầu nhưng quyết đoán, thông minh. Nhân vật ngồi đối diện với tôi thì hẳn là người như thế. Mỗi lời nói, cử chỉ đều toát lên sự dứt khoát, tự tin.

Hỏi về quyết định đang khiến mọi người trầm trồ, Linh bảo đó là việc làm bình thường. "Khi bạn làm công việc của tôi, được tiếp xúc với nhiều cảnh ngộ bệnh nhân đáng thương, bạn chắc cũng sẽ làm như tôi thôi", Linh mở đầu câu chuyện.

Linh bảo, chuyện cô đăng ký hiến mô, tạng là chuyện đến một cách tự nhiên, như một sự sắp đặt không thể khác của số phận. Và, theo Linh thì đó hình như là duyên nợ của những tháng ngày dấn thân với nghiệp "phóng viên y tế".

Linh gắn bó với VTC News từ những ngày đầu thành lập tờ báo. Sở dĩ cô bảo quyết định hiến mô, tạng của mình là duyên phận tự nhiên là bởi có sự đưa đẩy của nghiệp cầm bút.

Ở VTC News, Linh từng làm ở nhiều vị trí: là phóng viên rồi trưởng mục theo dõi công nghệ, kinh tế, thị trường, rồi bảo vệ người tiêu dùng. Duyên nghiệp khiến giờ cô lại đi viết về mảng y tế, sức khỏe. Nhảy vào lĩnh vực mới mẻ này, Linh có nhiều lạ lẫm và… sợ.

Linh theo nghề báo bởi cô có khiếu văn chương. Những người "dính líu" đến thi ca thường sống bằng lòng trắc ẩn và có chút gì đó yếu mềm.

Nhà báo Nguyễn Thùy Linh với một bệnh nhi, nhân vật trong một bài viết cảm động của mình.


Làm phóng viên y tế thì thường phải lại qua nhiều bệnh viện. Những ngày đầu, sau mỗi lần tới bệnh viện, Linh thường mang về bao nỗi ám ảnh, xót xa.

Ở viện, ngó đâu cũng thấy khổ đau, nước mắt.

"Thương nhất là những bệnh nhi. Tôi là mẹ của hai con nhỏ nên khi thấy các em co quắp trên giường bệnh, vật vã với chứng nan y thì không thể cầm lòng được", Linh tâm sự.

Ngày ấy có lần Linh đã chạy từ viện ra đường rồi ôm mặt khóc tu tu. Cô khóc bởi tận thấy một bé trai đang thoi thóp, cô độc trên giường bệnh, máu đang ri rỉ chảy ra từ khóe miệng mà không có mẹ ở bên.

Bé trai ấy bị ung thư. Thuốc thang chạy chữa khiến gia đình bé kiệt quệ. Sở dĩ bé phải ở viện một mình bởi mẹ còn tranh thủ về nhà làm việc những mong kiếm chút tiền cứu con.

"Nhìn bé trai ấy nằm thoi thóp, miệng tứa máu tươi, mắt ngân ngấn lệ thì tôi không thể đứng vững được nữa.

Không kìm được cảm xúc, tôi đã chạy ra đường và òa khóc. Ngày ấy mới theo mảng này nên ít quan hệ, tôi chẳng biết nhờ vả ai để cứu cháu. Không còn cách nào khác tôi đành vừa khóc vừa gọi điện cho cậu bạn thân cũng làm báo để nhờ cậy", Linh nhớ lại.

Hình ảnh đứa bé miệng tứa máu, mắt ngấn lệ ấy ám ảnh cô đến tận bây giờ. Sau lần ấy, ngoài đưa tin bài, cô đã quyết định dấn thân vào hình trình thiết thực hơn ấy là kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

"Chẳng biết thế nào nhưng cảm giác giúp đỡ được ai đó, dù là món tiền nhỏ thôi cũng khiến tôi hân hoan kỳ lạ", Linh chia sẻ.

Viết báo bằng nước mắt

Đối tượng mà Linh đặc biệt quan tâm là những cháu bé không may vướng vào trọng bệnh. Linh bảo, hầu như đứa trẻ nào đến viện cũng đều khoác theo một cảnh ngộ bi thương.

Trước những bệnh nhân nghèo khó, khốn cùng cô đã viết bằng nước mắt. Cứ khi ngồi vào máy tính, cứ khi nhớ lại những cảnh ngộ khốn cùng mà mình gặp thì nước mắt cô lại lã chã rơi.

Sau những bài báo của Linh, nhiều bệnh nhân đã được cứu bởi sự hảo tâm, thiện nguyện của cộng đồng.

Linh bảo, cô viết bằng những lời nước mắt nhưng sau khi những bài báo của cô được đăng tải thì cô phải khóc thêm nhiều lần nữa. Ấy là khi cô chứng kiến tấm lòng thơm thảo của mọi người. Ấy là khi cô biết tin bệnh nhân khốn khó của mình vượt qua bạo bệnh.

Có những giọt nước mắt mừng vui thì cũng có cả những giọt nước mắt đau đớn, xót xa. "Nhiều lần tôi thấy tim mình như nghẹn lại khi hay tin cháu này cháu kia đã không chống chọi nổi với bạo bệnh hiểm nghèo.

Những khi nhận được tin dữ ấy thì hình ảnh những đứa trẻ với ánh mắt trong veo ấy lại dồn dập hiện về", Linh chia sẻ với ánh mắt buồn buồn.

Tận hiến, hết mình với viện thiện, Linh thấy cân bằng hơn. Nỗi sợ hãi khi bước chân vào bệnh viện đã không còn nữa. Cô bảo, làm việc thiện, giúp đỡ bệnh nhân nghèo khiến cô thấy đam mê, thấy yêu nghiệp "phóng viên y tế" của mình.

Linh không duy tâm nhưng tâm niệm gieo nhân nào gặt quả ấy. " "Đơn giản thôi, mình sống tốt, sống thiện thì chẳng ai nỡ đối ác với mình, đó là điều tất nhiên mà", Linh thật thà.

Đúng như lời nữ phóng viên này nói, hai bé con cô cũng đã được hưởng "quả thiện" từ chính mẹ mình. Hai bé học theo những việc tốt lành của mẹ.

"Mỗi khi thấy tôi viết bài về hoàn cảnh ai đó, các cháu đều lấy tiền tiết kiệm của mình nhờ tôi chuyển giúp. Ra đường, thấy cụ già bán hàng rong, các cháu cũng nằng nặc bảo mẹ phải mua giúp họ", Linh tự hào kể về hai bé con mình.

Muốn cái chết của mình hóa thành sự sống của nhiều người

Chuyện quyết định hiến mô, tạng, Linh bảo, cô ấp ủ ý nguyện này cũng từ khi là "phóng viên y tế". "Nếu không làm phóng viên y tế thì thật khó để tôi có quyết định này", Linh chia sẻ.

Linh bảo, như bao người khác, trước đây, ý tưởng hiến bộ phận nào đó trên cơ thể mình cho y học chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí cô.

"Người Việt có quan niệm chết phải toàn thây, tôi cũng thế thôi. Trước đây, nếu không thường xuyên đến viện, tôi cũng sợ cảnh mổ xẻ lắm!, Linh chia sẻ.

Bởi yếu mềm nên phải mất một thời gian dài lấy can đảm cô mới dám tận mắt chứng kiến các bác sĩ mổ xẻ cứu người.

"Ban đầu tôi cứ nghĩ chuyện mổ xẻ là máu me be bét cơ, nhưng thực tế thì không phải vậy. Nhìn các bác sĩ cầm dao kéo làm việc, tôi thấy họ giống người nghệ sĩ nhiều hơn. Nhìn họ say mê với vết mổ, với đường kim mũi chỉ tôi đã không còn thấy sợ nữa", Linh tâm sự.

Linh đăng ký hiến tạng tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.


"Bám" mảng y tế, Linh đã nhiều lần tiếp xúc với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Trò chuyện với cán bộ ở đây, nữ nhà báo giàu tình cảm đã thấy rằng, nhiều bệnh nhân đang mòn mỏi được ghép tạng. Họ đang cận kề cái chết nếu không có mô, tạng thay thế.

Người xin được ghép thì nhiều, người cho, hiến thì vô cùng ít.

Nghe những câu chuyện ấy, Linh thấy ám ảnh khi nghĩ nếu những người đang chờ để có mô, tạng để ghép kia là những người thân của mình.

Và Linh muốn làm một điều gì đó khiến Linh có ý định đăng ký hiến mô, tạng mình. Tuy nhiên, ý định thì cứ ấp ủ vậy thôi thời điểm đó, cô chưa thực sự sẵn sàng.

Và rồi, tháng trước, khi tham gia viết bài về sự thành công ngoài mong đợi của ca ghép tạng xuyên Việt thì Linh đã đưa ra quyết định của mình.

"Vừa rồi, chàng thanh niên 20 tuổi trong TP.HCM không may chết não đã tạo cơ hội được sống cho 6 người khác. Giác mạc cứu được 2 người, thận cứu được 2 người, tim cứu được một người, gan cứu được một người", Linh làm phép tính đơn giản.

Tấm thẻ cuộc đời

Đăng ký… miệng với Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người xong, Linh bảo, về xin ý kiến người thân rồi mới đến làm thủ tục chính thức. "Thân thể tôi do mẹ tôi sinh ra nên phải xin ý kiến của bà", Linh kể.

Nghĩ là làm, Linh bấm điện thoại cho mẹ. "Mẹ ơi, con muốn hiến mô, tạng của con cho y học khi con chết…".

Nghe điện thoại của cô con gái, mẹ Linh run bắn. "Mày nói gì thế, mẹ nghe sợ lắm!", đầu dây bên kia mẹ Linh hốt hoảng.

Linh kể, phải mất hồi lâu giảng giải, phân tích thì mẹ cô mới hiểu ra. Câu cuối cùng bà bảo: "Thôi, tùy con! Con quyết định thế rồi thì mẹ ủng hộ con, nhưng nói thật, mẹ vẫn thấy sợ lắm!".

Người thứ hai Linh tâm sự về nguyện vọng của mình chính là chồng cô. Chồng Linh là luật sư, tư tưởng hiện đại và đặc biệt luôn tôn trọng mọi quyết định của vợ.

Nghe xong ý nguyện của vợ mình anh chỉ bảo: "Thân thể em thì tùy em quyết định". "Vâng, em biết thế, nhưng em nói để nếu có chuyện gì thì anh nhớ cho tạng của em. Em muốn trái tim mình, gan thận mình sẽ sống trong người cần nó", Linh đáp lời chồng.

Tấm thẻ đăng ký hiến tạng Linh luôn mang theo bên mình.


Thành viên cuối cùng mà Linh phải "xin ý kiến" chính là hai con của mình. Linh có thói quen bất cứ chuyện gì đều tâm sự với những "người bạn" nhỏ tuổi ấy.

Nghe mẹ nói nói về ý định "sẽ đăng ký tặng một phần cơ thể", hai bé đồng loạt mếu máo rồi nhảy dựng lên phản đối.

"Con à, mẹ luôn nói với các con, sinh mạng và sức khỏe của các con luôn là hàng đầu.

Và tất nhiên, nếu may mắn, chúng ta sẽ sống đến đầu bạc răng long và dù có điều gì xảy ra thì hiến mô tạng sẽ cứu được nhiều người khác, phải không con?", ấy là lời Linh nói với các con mình.

Nghe những lời đó, lại thêm quá hiểu tấm lòng của mẹ, hai đứa trẻ chẳng nói thêm gì nữa.

Ngày 1/6 vừa rồi, Linh chính thức tới Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến mô, tạng. Đăng ký xong, Linh được tặng tấm thẻ nhỏ bằng hai đầu ngón tay. Tối ấy, thấy tấm thẻ này, các con cô lại thêm một lần mếu máo.

"Con không thích cái thẻ này, con thích mẹ của con cơ!", vừa ôm mẹ bé gái của Linh nũng nịu.

Cậu trai lớn thì ngồi im, vừa mân mê tấm thẻ vừa lén đưa về phía mẹ ánh mắt ngưỡng mộ, thương yêu.

Cùng vớt thẻ nhà báo thì tấm thẻ nhỏ xinh mới được sở hữu trên lúc nào Linh cũng mang theo mình. Linh trân trọng tấm thẻ như một phần cơ thể. Thấy tấm thẻ, cô như thấy được cả con đường đầy ý nghĩa mình đã đi qua và sẽ còn bước tiếp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rơi nước mắt với chuyện nữ nhà báo nguyện hiến thân mình cho y học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.