(HNM) - Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em, trở thành nỗi lo không chỉ của gia đình mà với cả xã hội. So với trẻ bình thường, trẻ mắc hội chứng này có nguy cơ cao bị các rối loạn tâm thần khác.
Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khám cho một bệnh nhi mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. |
Tăng động khác hiếu động
Cách đây ít ngày, bé trai Nguyễn Tuấn K. (8 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa đến bệnh viện vì nghịch quá mức. Ở lớp học, K. thường bị cô giáo phàn nàn vì lý do không tập trung, không nghe lời, nhất là không chịu ngồi yên một chỗ. Ban đầu, bố mẹ K. cho rằng, trẻ con hiếu động cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng, tần suất hoạt động của K. ngày càng cao đến mức gia đình không thể chịu được, bố mẹ mới đưa K. đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán, con bị tăng động giảm chú ý.
Tương tự, bệnh nhi Trần Ánh D. (11 tuổi ở Hà Nội) được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần cũng với lý do nghịch không biết mệt. Thậm chí, gia đình đã phải thuê tới 2 người giúp việc trông coi, chăm sóc D. nhưng họ đều xin nghỉ vì không chịu nổi những trò nghịch của cậu bé như tự dùng gạch đập vào mặt mình… Không thể ngăn cản được những hành động bất thường của con, gia đình đã buộc phải cầu cứu bác sĩ. Sau hơn 2 năm điều trị, hiện tình trạng tăng động giảm chú ý của D. được cải thiện đáng kể…
Theo một nghiên cứu được thực hiện ở 1.320 trẻ tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ có vấn đề về giảm chú ý chiếm khoảng 4%. Một phân tích tổng hợp từ 175 nghiên cứu trên toàn thế giới về tỷ lệ mắc tăng động giảm chú ý ở trẻ dưới 18 tuổi cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng này trên toàn cầu khoảng 7,2% và trẻ trai có xu hướng mắc cao hơn trẻ gái.
Bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý thường khởi phát trước khi trẻ lên 7 tuổi. Biểu hiện phổ biến là trẻ không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát, tăng hoạt động.
“Nhiều phụ huynh nhầm lẫn giữa trẻ hiếu động và tăng động. Ở trẻ hiếu động, có việc nghịch nhiều nhưng đúng mục đích và có thể tập trung được trong một thời gian nhất định để học tập. Còn trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có biểu hiện hoạt động liên tục, hoạt động như được “gắn động cơ”, nhất là không thể tập trung tiếp thu kiến thức”, bác sĩ Lê Công Thiện nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần phân tích, có nhiều nguyên nhân và cơ chế gây nên rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ, như: Di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường sống… Chẳng hạn, việc trẻ xem quá nhiều ti vi, điện thoại cũng có thể là yếu tố làm tăng nặng triệu chứng tự kỷ hay rối loạn tăng động giảm chú ý. So với trẻ bình thường, những trẻ này có nguy cơ cao mắc các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội, bị tai nạn...
Bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương) lưu ý, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội. Nếu được can thiệp sớm, bệnh của trẻ sẽ có cơ hội cải thiện, có thể đi học, đi làm, sống độc lập và không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Quan trọng nhất là tuân thủ điều trị
Theo bác sĩ Lê Công Thiện, hơn 50% bệnh nhi được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh, thiếu niên và cả ở tuổi trưởng thành. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 4-5% người trưởng thành cũng bị hội chứng rối loạn này.
Tại bệnh viện, khi tiếp nhận điều trị cho một số trẻ, bác sĩ còn phát hiện cả bố của trẻ cũng có triệu chứng bệnh. Việc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý giống mô hình điều trị bệnh lý mạn tính, do đó, quan trọng nhất là phải tuân thủ điều trị, theo dõi thường xuyên và tái khám định kỳ. Thời gian tối thiểu để bệnh nhân uống thuốc điều trị bệnh là 12 tháng. Tuy nhiên, một trong những sai lầm phổ biến của các gia đình là tự ý ngưng điều trị, dẫn đến trẻ tái phát triệu chứng, để lại hậu quả nghiêm trọng và khó khắc phục.
Hiện việc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý có nhiều phương pháp, như: Giáo dục, trị liệu tâm lý, thuốc, kết hợp các phương pháp... và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, gia đình và nhà trường cũng như sự quan tâm của cả cộng đồng. Bác sĩ Thành Ngọc Minh khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nhất thiết phải đưa trẻ bị tăng động giảm chú ý vào các trường chuyên biệt. Bởi trường chuyên biệt thường dành cho những trẻ chậm phát triển trí tuệ.
Còn trẻ tăng động có chỉ số thông minh (IQ) không kém so với trẻ bình thường mà khác biệt duy nhất là sự giảm chú ý nên khó tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, khi ở lớp, những trẻ mắc hội chứng này nên được ngồi bàn đầu để thầy cô kịp thời quan sát, nhắc nhở. Còn khi ở nhà, cha mẹ cần quan tâm hơn đến trẻ, thay đổi môi trường sống có lợi cho trẻ và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.