Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Rơi”, dừng hay đắt hàng?

Bình Thu| 30/05/2010 06:05

(HNM) - Phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số chứng khoán đã có bước bứt phá mạnh, đẩy lùi tâm lý bi quan của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự vận hành của thị trường trong vài năm gần đây cho thấy quy luật, tháng 5, 6 là những thời điểm khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), giá nhiều cổ phiếu thường xuống thấp. Nhiều chuyên gia cho rằng, tháng 6 mới xuất hiện những cơ hội để nhà đầu tư (NĐT) tích lũy cổ phiếu một cách có chọn lọc.

Áp lực tụt dốc

Với nhiều NĐT chứng khoán, tháng 5 là quãng thời gian căng thẳng và nhiều lo âu. TTCK liên tục rơi sâu, với tốc độ nhanh. Bảng điện tử ngập trong sắc đỏ khiến NĐT "xanh mặt" vì lo lắng. TTCK Việt Nam quay về mức cuối năm 2009, P/E nhiều bluechip xuống dưới 10. VN-Index chính thức xu hướng giảm điểm từ tuần 9 đến 14-5. Bước sang tuần từ ngày 17 đến 21-5, trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, cộng thêm những tin xấu của tình hình kinh tế châu Âu đã làm cho các NĐT trên TTCK Việt Nam ồ ạt cắt lỗ, thi nhau bán tháo khiến VN-Index giảm không phanh, xuống dưới 500 điểm. Tính riêng tuần này, VN-Index mất 37 điểm, tương đương 7%, còn HNX-Index giảm 20 điểm, tương ứng 11,5%.

Trao đổi thông tin, tìm hiểu kỹ về các mã cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư tránh được những thiệt hại kinh tế. Ảnh: Khánh Nguyên

Đâu là nguyên nhân làm TTCK Việt Nam biến động tiêu cực như vậy? Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp - được nhìn nhận là nguyên nhân chính. Khi khủng hoảng nợ châu Âu có nguy cơ lan rộng, tâm lý các NĐT, bị ám ảnh từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, bắt đầu hoang mang nên cắt lỗ ồ ạt, bất chấp cổ phiếu tốt. TTCK Việt Nam lún sâu vào vòng xoáy giảm điểm.

Ngoài ra, sự tụt dốc của TTCK Việt Nam có một số yếu tố khác tác động. Trước hết là ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính. Thời gian qua, do tin tưởng vào xu hướng tăng của VN-Index nên nhiều NĐT gia tăng sử dụng đòn bẩy làm cho dòng tiền đổ vào chứng khoán rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự đảo chiều đột ngột trên TTCK đã thực sự diễn ra khi xuất hiện những bất ổn trên thị trường tài chính quốc tế, tác động tiêu cực tới tâm lý NĐT. Một nguyên nhân khác là tác động tiêu cực từ nạn đầu cơ cổ phiếu và làm giá chứng khoán. Nhiều cổ phiếu bị đẩy lên mức giá quá cao. Việc làm giá công khai không chỉ còn nằm ở một nhóm người mà là "đánh hội đồng": nhóm này liên kết với nhóm kia, thậm chí có những công ty chứng khoán cũng là một mắt xích trong liên kết này. Khi thị trường xuất hiện tin xấu, nhiều cổ phiếu được làm giá đã mất thanh khoản, giá liên tục giảm sàn cùng dư bán hàng trăm nghìn cổ phiếu/mã. Trong gần 10 phiên VN-Index giảm điểm, trong khi các cổ phiếu trên thị trường trung bình giảm giá từ 10-15%, nhiều cổ phiếu đầu cơ có mức giảm lên tới hơn 40%. Quá trình rớt giá liên tục trong thời gian qua cho thấy, hành vi thao túng giá đã đạt mức quy mô có bài bản, trong khi đó khâu kiểm tra giám sát thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện nay lại đang có nhiều yếu kém.

Chờ đợi gì từ chứng khoán?

Vào những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, TTCK Việt Nam đã có những phiên tăng điểm trở lại và vùng hỗ trợ 472-480 điểm đang tỏ ra khá vững chắc. Nỗi lo lắng, hoang mang của các NĐT đã phần nào lắng dịu. Sau khi không ít NĐT rút vốn vào thời điểm đầu tháng 5 thì vào thời điểm cuối tháng 5 này một số NĐT bắt đầu nhúc nhắc quay lại thị trường mặc dù vẫn đang trong tâm trạng cân nhắc, nghe ngóng để lựa chọn và ra quyết định. Một số chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm trong vài năm gần đây cho thấy tháng 5, 6 là những thời điểm khó khăn có tính chu kỳ của TTCK Việt Nam và giá nhiều loại cổ phiếu thường xuống thấp.

Các nhà đầu tư cần thận trọng khi mua các mã cổ phiếu để tránh rủi ro. Ảnh: Trung Kiên

Trong khi không ít NĐT vẫn đang lo ngại thì đây lại là cơ hội cho nhiều NĐT mới rót vốn và bắt đầu gia nhập thị trường. Năm 2010, bên cạnh việc hàng loạt ngân hàng tăng vốn thì lượng DN mới niêm yết cũng tăng mạnh. "Hàng hóa" phong phú, lượng vốn hóa đang trên đà tăng cũng là cơ hội để các NĐT cơ cấu lại danh mục. Với lượng DN niêm yết tăng, cho dù các chỉ số trên sàn chứng khoán vẫn đang giảm thì cơ hội lớn cho một bộ phận không nhỏ NĐT lại ngày càng lộ rõ. Đây đang là thời điểm rất thích hợp cho các NĐT khi giá của nhiều bluechip đã xuống đến mức P/E (giá trên thu nhập cổ phiếu) xoay quanh 10, một số cổ phiếu ngân hàng P/E đã dưới 10. Cú giảm điểm trên TTCK Việt Nam vừa qua khiến thị trường trở nên hấp dẫn, đứng trên phương diện đầu tư giá trị và quan điểm đầu tư dài hơi, đây chính là cơ hội tốt cho các NĐT lựa chọn những cổ phiếu tốt có giá rẻ mà không phải lúc nào cũng xuất hiện nếu có tiền nhàn rỗi.

Một điểm đáng chú ý khác là động thái của các NĐT nước ngoài. Trong khi các NĐT trong nước còn đang thận trọng nghe ngóng thì NĐT ngoại lại đang mạnh tay mua vào mặc cho thị trường rơi với tốc độ "chóng mặt". Cụ thể, từ ngày 31-3 đến 18-5, NĐT nước ngoài đã có chuỗi 32 phiên mua nhiều hơn bán tại sàn TP Hồ Chí Minh với tổng giá trị đạt 2.851 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, trong 90 phiên giao dịch, NĐT nước ngoài đã mua ròng 75 phiên - gần 4.800 tỷ đồng, bán ròng 15 phiên. Sức mua từ các NĐT nước ngoài đã và đang là lực đỡ quan trọng cho TTCK Việt Nam hồi phục.


Nhận định chung của nhiều chuyên gia là TTCK Việt Nam sẽ còn phải chịu thử thách tại vùng kháng cự mạnh 504-510 điểm - ngưỡng lực cung nhiều khả năng sẽ gia tăng. Nếu không chịu tác động gì quá đột biến, VN-Index có thể tiếp tục đà hồi phục trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự hồi phục của thị trường hiện đang thiếu những yếu tố bền vững khi khối lượng giao dịch vẫn đứng ở mức thấp và đà hồi phục của VN-Index chủ yếu đến từ sự tăng điểm của các mã penny mang tính đầu cơ cao.

Khi khủng hoảng nợ của khu vực châu Âu có giải pháp khả thi, lòng tin của các NĐT toàn cầu hồi phục, TTCK Mỹ tăng điểm trở lại thì khi đó

VN-Index có thêm động lực. Cùng với đó, ở trong nước, các tin tức về kinh tế vĩ mô tháng 5 tích cực như tăng trưởng tín dụng, CPI ở mức thấp... cũng giúp tâm lý NĐT ổn định lại. Về ngắn hạn, nhiều khả năng thị trường tiếp tục dao động quanh mức hiện tại và không loại trừ khả năng đi xuống do tâm lý bi quan của số đông NĐT hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, tháng 6 là thời cơ để NĐT tích lũy cổ phiếu một cách có chọn lọc.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Rơi”, dừng hay đắt hàng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.