Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả

Dạ Khánh| 07/07/2018 05:49

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 26/2018/QĐ-TTg (ngày 22-6-2018) cho phép TP Hà Nội thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Việc đưa lực lượng này “quy về một mối” được kỳ vọng sẽ

Tổ chức một đầu mối, quy định rõ trách nhiệm sẽ giúp việc quản lý trật tự xây dựng hiệu quả hơn. Ảnh: Hải Anh


Vi phạm “nóng”, nhưng xử lý còn chậm

Thống kê 6 tháng đầu năm 2018, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện, lập hồ sơ 606 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, có 223 công trình xây dựng không phép, 139 công trình xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế, 212 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp; ban hành 582 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng tiền phạt hơn 5,113 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra 135 trường hợp, ban hành 80 quyết định xử phạt với tổng số tiền 2,443 tỷ đồng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, so với những năm trước, tỷ lệ các công trình xây dựng đúng phép tăng dần, cơ bản ngăn được việc lấn chiếm đất công. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công trình xây dựng sai quy hoạch, sai phép... chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời, do sự phối hợp giữa lực lượng quản lý trật tự xây dựng và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ. Một số địa phương còn lúng túng, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong xử lý công trình vi phạm khi được Thanh tra xây dựng bàn giao hồ sơ. Ngược lại, có nơi có lúc, Thanh tra xây dựng thiếu kiểm tra, giám sát, chậm thiết lập hồ sơ vi phạm để bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý.

Trước tháng 5-2013, Hà Nội đã thí điểm lực lượng quản lý trật tự xây dựng đặt ở quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 15-5-2013), đội ngũ này được chuyển về Sở Xây dựng quản lý, phân công xuống từng địa bàn quận, huyện, thị xã thực thi nhiệm vụ. Do hiệu quả công tác không cao, thậm chí có hiện tượng “bật đèn xanh” cho vi phạm tồn tại, nên ngày 20-7-2016, UBND TP Hà Nội ra Quyết định 3973/QĐ-UBND, giao chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp đội thanh tra xây dựng địa bàn trong khi Sở Xây dựng vẫn quản lý trực tiếp về nhân sự, trả lương, các chế độ khác theo quy định. Thế nhưng sau một thời gian triển khai, việc điều chuyển này đã nảy sinh bất cập. Ông Trịnh Lê Đức, Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho hay: “Cấp quận, huyện không quản về con người, không trả lương, chế độ phụ cấp, nên rất khó xác định hiệu quả công việc. Nếu lực lượng thanh tra xây dựng làm ngơ cho vi phạm, địa phương cũng khó xử lý trách nhiệm”.

Rõ trách nhiệm sẽ rõ hiệu quả

Việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã sẽ góp phần bịt những lỗ hổng quản lý đang tồn tại.


Với việc thí điểm điều chuyển lực lượng thanh tra xây dựng về UBND quận, huyện quản lý, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là giải pháp tốt bởi đội ngũ này “nằm” tại địa bàn sẽ bám sát cơ sở hơn, dễ phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Đặc biệt, chính quyền địa phương sẽ tăng thẩm quyền trong điều hành, chỉ đạo kịp thời lực lượng thanh tra xây dựng, việc quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại địa bàn sẽ đồng bộ hơn. Ưu điểm này cũng đã được tổng kết ở giai đoạn thí điểm trước tháng 5-2013.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, với tính chất đặc thù, lực lượng thanh tra cần hoạt động độc lập, thì với việc “thay áo” lần này, khi quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng khép kín tại quận, huyện có thể dẫn đến việc bao che cho vi phạm. Lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, điều chuyển việc quản lý lực lượng thanh tra xây dựng về quận sẽ tiện cho chính quyền địa phương điều hành, nhưng cũng dễ dẫn đến việc các vi phạm bị “đóng khung”, không được xử lý kịp thời. Do đó, điều cần thiết là quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra xây dựng, cũng như trách nhiệm, sự gắn kết với chính quyền địa phương. Đặc biệt, cần tăng thẩm quyền cho Thanh tra Sở Xây dựng trong kiểm tra việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng của lực lượng chức năng tại cơ sở, để hạn chế tình trạng bao che sai phạm.

Thạc sĩ, KTS Nguyễn Huy Khanh (Bộ Xây dựng) cho rằng, để đẩy lùi vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra khá phức tạp tại nhiều địa bàn, cần tăng chế tài xử lý trách nhiệm với người đứng đầu UBND các quận, huyện. Địa bàn nào xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, không chỉ thanh tra xây dựng, mà cả chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã cũng phải chịu trách nhiệm và nhận hình thức kỷ luật, thậm chí là đình chỉ công tác. Nếu thực hiện nghiêm như vậy, chắc chắn trách nhiệm của lực lượng chức năng sẽ khác và tỷ lệ vi phạm sẽ giảm.

Cuối tháng 5-2018, UBND thành phố đã ban hành Công văn 2296/UBND-ĐT, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã chủ động nghiên cứu, hoàn thiện “Quy chế phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố” để kịp thời trình UBND thành phố ban hành sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Quy chế xây dựng trên tinh thần tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý, điều hành của chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm giám sát của Thanh tra Sở Xây dựng, đặc biệt là thẩm quyền đề xuất xử lý kỷ luật các vị trí lãnh đạo chủ chốt khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Xác định “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, việc duy trì pháp luật về trật tự xây dựng rõ ràng sẽ hiệu quả hơn.

Ngày 4-7-2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 3406/QĐ-UBND thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội. Thời gian thí điểm là 2 năm. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị có trụ sở làm việc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.